Có quan điểm rằng, nhìn vào nền hội họa của một quốc gia, người ta có thể đánh giá trình độ dân trí của dân tộc đó.

Từ đấu giá tranh từ thiện đến mua tranh trả góp

Nguyễn Huy | 18/11/2021, 14:03

Có quan điểm rằng, nhìn vào nền hội họa của một quốc gia, người ta có thể đánh giá trình độ dân trí của dân tộc đó.

Trong thời điểm COVID-19 đang tung hoành dữ dội, đời sống thị dân tại TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn, nhà nghiên cứu mỹ thuật kiêm sưu tập tranh Lý Đợi và Đông Quân, tổ chức buổi đấu giá tranh từ thiện qua online.

Số tiền thu được là 52.663 USD đã được chuyển cho bệnh viện dã chiến số 5 tại TP.HCM. Khi thành phố áp dụng bình thường mới, các phòng tranh được phép hoạt động sau thời gian dài đóng cửa, cũng chính Lý Đợi đã phát động một dạng giao dịch tranh rất mới lạ, đó là mua tranh trả góp. Động thái này đang thu hút sự quan tâm của những nhà sưu tập tranh Việt Nam đương đại.

received_393293725807245.jpeg
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi ( phải) và họa sĩ Lê Kinh Tài tại triển lãm Mirror. Tại đây, Lý Đợi mua bức tranh trả góp có tên Đông Dương Pha-ke

Giải pháp linh hoạt

Ai đó đã xác định rằng nhìn vào nền hội họa của một quốc gia, người ta có thể đánh giá trình độ dân trí của dân tộc đó. Việt Nam có một thế hệ họa sĩ xuất sắc thời Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nam Sơn,… Chính họ đã tạo nên dấu ấn đậm nét của hội họa Việt Nam trên trường quốc tế. Đến hiện tại, tranh thời Đông Dương của Việt Nam vẫn liên tục xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế, có bức được mua với giá hàng triệu đô la. Thế nhưng, sau thời kỳ Đông Dương, nền mỹ thuật Việt Nam giậm chân tại chỗ suốt một thời gian dài. Những cái tên nghệ sĩ mới chưa đủ sức rút ngắn khoảng cách với thế hệ trước. Và cũng vì đời sống kinh tế không phát triển (chỉ có người giàu mới đủ khả năng mua tranh) nên lực lượng nhà sưu tập tranh người Việt cũng rất giới hạn về lượng. Số ít những người chơi tranh cũng chỉ mua về cất riêng chứ không giao dịch và trao đổi. Thị trường tranh Việt Nam trở thành một dòng chảy thầm lặng ít người biết đến.

Bắt đầu cuối thập niên 1990, tại Hà Nội và Sài Gòn xuất hiện nhiều gallery, nơi trưng bày giới thiệu và giao dịch tranh, hoạt động hội họa Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Kể từ đây đã bắt đầu cho ra lò một thế hệ nghệ sĩ mới mà tranh của họ đã được tiêu thụ rất tốt, nhiều nhà sưu tập trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Lê Kinh Tài là một cái tên điển hình. Song song đó, xuất hiện một thế hệ sưu tập tranh mới trẻ trung, năng động và cởi mở hơn thế hệ trước. Đây là thế hệ mà các nhà nghiên cứu gọi là thế hệ thứ 5. Họ đông về số lượng, cân bằng về giới tính và có thể tận dụng sức mạnh của internet để nâng cao kiến thức hội họa, để săn lùng tác phẩm hay, và để mua bán tranh qua hình thức online.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ: “Hội họa Việt Nam muốn phát triển mạnh cần phải có một lực lượng sưu tập tranh người Việt đông đảo. Chính họ là đối tượng đầu tiên hiểu được giá trị của tranh Việt, sẽ là chất xúc tác kích thích sự sáng tạo của các họa sĩ Việt. Điều này đã chính xác sau nửa thế kỷ bán tranh cho nước ngoài. Nhiều bức tranh triệu đô của họa sĩ Việt giờ đây đã do nhà sưu tập Việt mua”.

Tuy nhiên, số lượng nhà sưu tập Việt ( trong đó có cả những người mua đi bán lại – một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển) đủ sức bỏ cả triệu đô mua một bức tranh rất hạn chế. Phần lớn những nhà sưu tập có kiến thức, có đam mê thuộc giai tầng trung lưu. Họ có thể sở hữu cả triệu đô nhưng nếu dùng cả số tiền đó để chỉ mua một tác phẩm, số lượng tranh sưu tập của họ sẽ bị giới hạn. Vì vậy, hình thức mua tranh trả góp là một giải pháp linh hoạt và hợp hoàn cảnh. Họ có thể chia nhỏ số tiền để cùng lúc sưu tập nhiều tác phẩm. Vào ngày 12.11.2021, Lý Đợi đã mua tác phẩm “Đông Dương Pha-ke” ngay tại triển lãm Mirror (Soi gương) của Lê Kinh Tài. Động thái này đã tạo nên một cơn sóng bình luận và bàn tán trong giới mỹ thuật vì thích thú.

received_884299352478467.jpeg
Bức tranh Indochine Pha-ke

Tuyên chiến với tranh giả

Trước đó, Lý Đợi vẫn thường hay mua tranh trả góp từ các họa sĩ khác. Bản thân anh cũng đã “bảo chứng” cho nhiều người khác mua tranh với hình thức trả góp. Mỗi tháng, họ trích ra một khoản tiền trong thu nhập để trả cho họa sĩ. Những tác phẩm ấy tôn vinh cho vẻ đẹp tinh thần đầy tính mỹ học cho ngôi nhà, hay văn phòng làm việc của họ. Bằng cách đó, họ âm thầm quảng bá giá trị tranh Việt cho nhiều người. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người mua tranh trả góp bán lại tác phẩm mình sưu tập nhanh chóng sau đó. Điều này góp phần tạo nên sưu lưu thông cho dòng tranh Việt trong thị trường.

Thực ra, hình thức mua tranh trả góp đã xuất hiện tại Việt Nam từ trước đó. Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn kể : “Những năm 2000, galery Tự Do từng bán tranh của tôi cho một phụ nữ Pháp sinh sống tại TP.HCM. Bà ấy là nhân viên của một công ty nên chỉ có lương tháng chứ không có tiền lớn. Bà ấy thích một bức tranh của tôi và xin mua trả góp hàng tháng. Chị Hà chủ Galery đồng ý và bà ấy trả đúng hẹn. Nhà báo Trần Tử Văn cũng là người thường xuyên mua tranh trả góp của chúng tôi hồi anh còn làm báo”.

Điều kiện để một người có thể mua tranh trả góp dựa vào lòng tin chứ chẳng có giấy tờ pháp lý nào giám sát. Vì vậy, người mua tranh ít nhất phải có quen với họa sĩ hoặc có người bảo chứng. Thế nhưng đến nay, hầu như chưa có một vụ quịt nợ tranh trả góp nào xảy ra. Bởi vì cơ bản, người thích tranh đa phần là thành phần trí thức, có tâm hồn và lòng tự trọng. Chính họ là những người hiểu giá trị của cái đẹp của hội họa nên thay vì dùng tiền mua một thứ gì khác thực dụng hơn, thì họ mua tranh.

Chính những người này, qua thời gian được tích lũy dày dặn kiến thức, họ sẽ là bộ lọc rất tốt để đẩy lùi nạn tranh giả đang làm đau đầu giới nghệ sĩ Việt.

Có thể giới sưu tập tranh của Việt Nam hiện nay chưa hùng hậu về lượng, thậm chí là “đẳng cấp” và lâu đời như ở các quốc gia phát triển. Nhưng nếu họ được sống trong môi trường giao lưu hội họa thường xuyên, tham dự nhiều sự kiện mỹ thuật, thì tương lai, thị trường mỹ thuật Việt Nam sẽ phát triển và phát triển một cách rất lành mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ đấu giá tranh từ thiện đến mua tranh trả góp