Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng đưa ra dự đoán sẽ đến một thời điểm nước Mỹ cần một vị tổng thống cương quyết và cứng rắn, dám đứng ra xử lý những tồn đọng của bệnh nhiệm kỳ và dám chấp nhận những hậu quả nếu nó xảy ra.
Dù cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết để có thể chỉ ra được ai sẽ là người ngồi lên chiếc ghế quyền lực nhất nền kinh tế số một thế giới, thì sự xuất hiện và cái cách khuấy đảo nước Mỹ của Donald Trump sẽ vẫn là một hiện tượng cực kỳ thú vị. Dù bị phản đối và chê bai ra sao, thì Trump hiện vẫn đang là ứng cử viên số một của đảng Cộng Hòa và là một trong số các ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua tới chiếc ghế tổng thống. Đồng thời, sự ủng hộ cao của người dân và không ít các đại cử tri dành cho Trump, đặc biệt là trong những vấn đề kinh tế, đang cho thấy lằn ranh giữa tội đồ và anh hùng trong việc giải quyết những vấn đề của nền kinh tế Mỹ là rất mong manh. Đã đến lúc cần đặt ra câu hỏi, nếu vị tỷ phú theo xu hướng dân túy này thắng cử và thực thi các chính sách kinh tế đã tuyên bố trong thời gian tranh cử, thì Trump sẽ là một anh hùng, hay là một tội đồ?
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng đưa ra một nhận định nổi tiếng khi còn sống về nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ. Theo đó, vị thủ tướng huyền thoại của đảo quốc sư tử dù tuyên bố ông ngưỡng mộ nước Mỹ và sức mạnh kinh tế Mỹ, nhưng theo ông nền dân chủ Mỹ có một nhược điểm lớn về lâu dài. Đó có thể gọi là “bệnh nhiệm kỳ”. Vì hệ thống chính trị Mỹ quy định mỗi tổng thống nếu muốn tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ hai thì phải ra tranh cử, và điều này dẫn đến việc các tổng thống Mỹ luôn có xu hướng nhượng bộ các đòi hỏi từ phía cử tri để có thể đắc cử trong nhiệm kỳ thứ hai. Về lâu dài xu hướng này sẽ tích tụ lại thành những vấn đề rất khó xử lý, và thậm chí có lẽ sẽ chẳng có vị tổng thống Mỹ nào dám xử lý vì những sức ép và hậu quả có thể xảy ra quá lớn. Theo Lý Quang Diệu, sẽ đến một thời điểm nước Mỹ cần một vị tổng thống cương quyết và cứng rắn, dám đứng ra xử lý những tồn đọng đó và dám chấp nhận những hậu quả nếu nó xảy ra.
Nhận định của Lý Quang Diệu tỏ ra rất chính xác, ít nhất là trong hai nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Hai nhiệm kỳ của vị tống thống da màu chứng kiến sự hồi phục của kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhưng nó cũng đang tạo ra vô số hậu quả, một trong số đó là nợ công quốc gia của Mỹ tăng vọt lên gần 2 lần chỉ trong hai nhiệm kỳ của ông Obama. Cụ thể, khi ông Obama nhậm chức tổng thống vào năm 2009 thì tổng nợ quốc gia của Mỹ mới chỉ là khoảng 10.600 tỷ USD; nhưng tính đến thời điểm cuối năm 2015 khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sắp kết thúc thì nó đã tăng lên mức khoảng 18.400 tỷ USD, còn theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính Mỹ công bố thì nó đã tăng lên mức 19.300 tỷ USD.
Sở dĩ tổng nợ công quốc gia của Mỹ tăng kỷ lục chỉ trong hai nhiệm kỳ của ông Obama là vì, ngoài các khoản chi cho hồi phục kinh tế và tạo công ăn việc làm sau khủng hoảng, thì phần lớn số tiền đó được chi cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, y tế có quy mô khổng lồ. Những chương trình an sinh xã hội này giúp ông Obama giành thắng lợi kỷ lục trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng cũng được đánh giá là một vết đen trong những di sản chính trị mà ông Obama để lại. Nói cách khác, theo quan điểm mà Lý Quang Diệu nhận định về nền kinh tế Mỹ, thì xu hướng nhượng bộ và thỏa hiệp đối với cử tri của các tổng thống Mỹ đã lên tới đỉnh điểm dưới thời của ông Obama, và nó đang để lại một hậu quả khó lòng khắc phục, mà mức tăng nợ công quốc gia kỷ lục của Mỹ là một điển hình.
Quay trở lại với cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ hiện nay, thì nếu xét theo quan điểm nước Mỹ cần một vị tổng thống cứng rắn và dám chấp nhận rủi ro để giải quyết các vấn đề tồn đọng lâu ngày mà cố thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra, thì khá trùng hợp khi hầu hết các tuyên bố của Donald Trump lại khá tương hợp. Bất kể những phát ngôn có vẻ ngông cuồng của Trump trong mọi lĩnh vực, thì không biết có phải tình cờ hay không khi đó đều là những vấn đề thuộc loại tồn đọng lâu ngày của nước Mỹ qua nhiều đời tổng thống trước đó. Những vấn đề như người nhập cư từ Mexico, thâm hụt thương mại với Trung Quốc hay nợ công quốc gia, đó đều là những vấn đề lớn mà các tổng thống trước như George Bush hay Obama đều cố tình lờ đi. Rõ ràng, nếu xét theo khía cạnh này, thì Trump đang xây dựng hình ảnh của mình như một vị tổng thống cứng rắn dám chấp nhận khó khăn để giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm mà nước Mỹ đang phải gánh chịu.
Vấn đề mới nhất mà Trump đề cập đến theo hướng đi này là việc tuyên bố sẽ giải quyết khoản nợ công khổng lồ gần 20.000 tỷ USD của nước Mỹ chỉ trong vòng 8 năm nếu ông thắng cử. Về lý thuyết khả năng này khó có thể xảy ra khi mà bản thân chính phủ Mỹ đang ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách, vào năm 2015 bội chi ngân sách của chính phủ Mỹ đã lên tới 800 tỷ USD, vì thế khả năng Trump có thể khiến Nhà Trắng dôi dư ra 2.400 tỷ USD thặng dư ngân sách mỗi năm để trả hết khoản nợ 19.300 tỷ USD trong 8 năm là rất khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này lại đang một lần nữa tô đậm hình ảnh Donald Trump như một ứng cử viên dám đối mặt với khó khăn trong các vấn đề phức tạp mà gần như không được các ứng cử viên khác đề cập đến.
Ngoài ra, việc tuyên bố sẽ để dư ra hàng ngàn tỷ USD ngân sách mỗi năm để trả nợ cũng là một lời đáp của Trump cho nhận định của các chuyên gia kinh tế trước đó, như Abby Joseph Cohen – người từng là chuyên gia kinh tế của Fed, rằng nếu Trump đắc cử thì tuy sẽ giúp GDP của Mỹ tăng 11,5% trong vòng 10 năm nhưng lại khiến nguồn thu thuế thiệt hại khoảng 12.000 tỷ USD.
Rõ ràng là, nếu xét trên tiêu chí này, thì hiện Trump đang đi ngược lại với hầu hết các ứng cử viên tổng thống khác về vấn đề chính sách. Cả Bernie Sanders lẫn Hillary Clinton đều xây dựng hình ảnh theo kiểu truyền thống của các tổng thống Mỹ, tức là sẽ tiếp tục nhượng bộ và thỏa hiệp các đòi hỏi của cử tri, điển hình là những kế hoạch tăng thuế và tăng phúc lợi kiểu cánh tả của Sanders. Chỉ có duy nhất Trump đang xây dựng hình ảnh một tổng thống cứng rắn dám chấp nhận khó khăn để giải quyết các vấn đề tồn đọng do sự thỏa hiệp của các đời tổng thống Mỹ đã để lại và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.
Dĩ nhiên, không có gì đảm bảo với chiến lược và hình ảnh tranh cử này có thể giúp Trump giành chiến thắng, cũng như không có gì đảm bảo nếu đắc cử ghế tổng thống thì Trump sẽ thực hiện những gì vị tỷ phú này đã hứa khi tranh cử. Nhưng việc tỷ lệ cử tri ủng hộ Trump hiện tại vẫn đang rất lớn đang cho thấy một thực tế rằng, một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ đang nhận thấy (hoặc lờ mờ cảm thấy) rằng nước Mỹ đang cần một tổng thống cứng rắn và cương quyết để xử lý các vấn đề khó khăn tích tụ lâu ngày mà các tổng thống trước đó đã lờ đi và giờ đây bắt đầu gây ra những hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Tất nhiên, có ý định tốt không đồng nghĩa với kết quả đạt được sẽ tốt. Khoảng cách giữa anh hùng và tội đồ nhiều khi chỉ cách nhau một lằn ranh rất mỏng manh.
Nhàn Đàm (theo CafeF, Vneconomy)