Theo Bảng xếp hạng VNR500 - 500 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lớn nhất Việt Nam năm 2016 vừa được công bố ngày 19.1, chỉ trong 1 năm, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) từ vị trí số 6 của năm 2015 đã vượt lên vị trí số 1.

Từ sự tăng trưởng ấn tượng của Thaco, nghĩ về vai trò của kinh tế tư nhân

12/02/2017, 18:03

Theo Bảng xếp hạng VNR500 - 500 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lớn nhất Việt Nam năm 2016 vừa được công bố ngày 19.1, chỉ trong 1 năm, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) từ vị trí số 6 của năm 2015 đã vượt lên vị trí số 1.

Theo Bảng xếp hạng VNR500 , Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) từ vị trí số 6 của năm 2015 đã vượt lên vị trí số 1.

Thaco được xếp trên 5 DNTN khác lần lượt là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP FPT, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan (chiếm vị trí của Hoà Phát năm 2015). Từ sự kiện này, không thể không suy nghĩ về số phận các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ và về vai trò của DNTN.

Sự vươn lên đầy ấn tượng của Thaco là nhờ đạt kết quả vượt trội trong hoạt động kinh doanh với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2012-2015, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Tổng doanh thu năm 2016 của Thaco đạt gần 65 nghìn tỉ đồng, tăng 41% so với 2015; đóng góp ngân sách gần 18 nghìn tỉ đồng, tăng 28% so với 2015.

Thaco cũng đã có 3 năm liên tiếp dẫn đầu về thị phần trên thị trường ô tô Việt Nam. Riêng năm 2016, tổng lượng ô tô bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 271.833 xe thì riêng Thaco đã đạt 112.847 xe, tăng trưởng 40% so với 2015, chiếm thị phần 41,5% thị trường ô tô. Quả thật, con số 41.5% đó là một con số ấn tượng, tạo niềm tin trong cộng đồng DNVN khi họ đã xây dựng chiến lược đúng để phát triển.

Được biết, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ, và với giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỉ USD. Điều này cũng có nghĩa ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco (cùng với vợ) trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% vốn cổ phần doanh nghiệp nói trên, trị giá khoảng 1,8 tỉ USD. Con số này có thể còn tăng lên thêm nhiều nếu cổ phiếu Thaco lên sàn và rất có thể sẽ tăng vọt như một loạt các cổ phiếu lớn như Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines, Faros... khi lên sàn gần đây.

Một ví dụ nữa là Tập đoàn thủy sản Minh Phú mà mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm. Đây là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, với doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Hơn 25 năm sau khi thành lập, Tập đoàn thủy sản Minh Phú từ Đất mũi Cà Mau đã phát triển hơn 10 công ty thành viên với chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tôm khép kín...

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Minh Phú đứng đầu thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam với thị phần chiếm 20%, đưa Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú là hơn 535 triệu USD, thu nhập bình quân của lao động công ty đạt 6,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, không phải DNTN nào cũng có được sự khởi sắc như thế. Chỉ nội trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô, DNTN Xuân Kiên đã và đang gặp sóng gió và nguy cơ phá sản cận kề càng chứng mình Thaco đã đi đúng hướng. Trong ngành thủy sản cũng vậy, đã có khá nhiều DNTN làm ăn thua lỗ do lao vào kinh doanh bất động sản mà bị sa lầy khó vực dậy được...

Trong những bài viết gần đây tôi đã đề cập đến một số DNNN đều thuộc Bộ Công Thương đã "chết lâm sàng" hoặc đang... "thở hắt ra" kiểu như Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (Đình Vũ, Hải Phòng), nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên, 3 nhà máy nhiên liệu sinh học... với quan điểm rằng nhà nước hãy chấp nhận cắt bỏ, thà "đau một lần" và đừng ghé vai gánh lấy "cục nợ" một khi nó không phải thuộc dạng như ngân hàng mà nếu không giải cứu sẽ gây ảnh hưởng khó lường đến người dân, đến đời sống xã hội...

Mới đây, tôi có tìm gặp Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, để nghe ông nhận xét về kinh tế nước nhà có gì mới, nếu lấy Đại hội Đảng XII làm mốc so sánh? Tôi biết ông vốn là một trí thức trưởng thành từ thực tiễn sản xuất ở cơ sở. Khi đang làm giám đốc Nhà máy dệt 8/3, ông được lãnh đạo Ban Công nghiệp Trung ương "để mắt" đến nhờ cách tư duy mới kết hợp với thành quả nhất định tại nơi ông đang điều hành và đã tin tưởng ông, cất nhắc lên thẳng thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ .

Ba năm sau (năm 1990), ông được tín nhiệm tham gia Trung ương Đảng và đảm trách cương vị bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Ông cũng từng làm bộ trưởng "siêu bộ" suốt 12 năm với các tên gọi khác do sáp nhập các Bộ Công nghiệp nhẹ với Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Năng lượng thành một bộ: Bộ Công nghiệp. Chính giai đoạn ông làm bộ trưởng (1990-2002) cũng là giai đoạn ông kế thừa những thành tựu bước đầu của giai đoạn đất nước Đổi mới để rồi góp phần phát triển ngành công nghiệp nước nhà một thời đúng hướng hơn, tốt hơn...

Ts Đặng Vũ Chư cho biết :"Dù chưa mấy ai nói là hiện nay đất nước ta đã và đang thực hiện công cuộc Đổi mới lần 2 nhưng nếu nghiên cứu thật kỹ thì có thể đánh giá thế này: Trong Văn kiện của Đại hội (ĐH) 6, Nghị quyết của Đảng CSVN đã xác định trong 5 thành phần kinh tế thì kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tại các ĐH Đảng tiếp theo và cho đến tận ĐH 11, nó vẫn theo tinh thần này. Trong 5 thành phần kinh tế thì có : 1, Kinh tế Nhà nước (vẫn giữ chủ đạo) ; 2, Kinh tế tập thể ; 3, Kinh tế tư nhân; 4, Kinh tế Hợp tác công tư và thứ 5 là hợp tác liên doanh với nước ngoài .

Nhưng đến ĐH vừa qua (ĐH 12), đã xác định trong 5 thành phần kinh tế thì kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực của nền kinh tế. Nó rất khác đó! Và qua đây đã cho thấy một Chính phủ kiến tạo, hành động mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn một lần đề cập cũng có ý tứ sâu xa, rất rõ là để phục vụ phát triển đất nước. Hãy cứ nhìn vào hàng loạt dự án của các DNTN làm ăn đàng hoàng trên khắp mọi miền đất nước là ít nhiều ta hình dung được viễn cảnh tương lai. Tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Và dù cho không gọi là Đổi mới lần 2 đi nữa thì nó vẫn cho thấy một hướng đi mới".

Từ chuyện Thaco tăng trưởng vượt trội trong năm qua và đóng góp cho ngân sách với con số đáng nể (bằng 1/5 so với ngành mũi nhọn là dầu khí) trong khi chiến lược phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam không phải đã thành công, chúng ta không khỏi suy nghĩ về chiến lược phát triển của khối DNTN trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi tuyên thệ lần đầu, cũng đã nhấn mạnh đến vai trò và sự cần thiết của việc nhà nước hỗ trợ để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn. Rõ ràng, nếu có một cơ chế chính sách đúng đắn làm bà đỡ để các DNTN phát triển thì nhà nước không việc gì phải ôm mãi các DNNN làm ăn kém cỏi và cũng không có lý do gì phải giải cứu họ. Và đây cũng chính là lý do cần đẩy nhanh công việc cổ phần hóa trong năm nay theo chỉ đạo Chính phủ.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ sự tăng trưởng ấn tượng của Thaco, nghĩ về vai trò của kinh tế tư nhân