Bóng đá Đức thêm ê chề khi ngay cả “Hoàng đế” Franz Beckenbauer cũng chẳng hoàn toàn vô can trong bê bối mua phiếu đăng cai World Cup 2006.
Với những tín đồ túc cầu giáo Đức, Franz Beckenbauer không đơn thuần là một huyền thoại, mà còn là biểu tượng của bóng đá Đức. Thật khó để diễn tả đầy đủ về vị trí của Beckenbauer trong lòng người Đức mà người đàn ông 70 tuổi này đã có được từ sau khi ông đoạt danh hiệu vô địch World Cup trên cả hai cương vị cầu thủ (kỳ giải năm 1974) và HLV (1990). Danh hiệu vô địch World Cup trong vai trò HLC của Beckenbauer còn có một ý nghĩa đặc biệt khi ông giành được nó trong cùng năm nước Đức tái thống nhất.
Một khi quá yêu mến, họ cũng không tránh khỏi ảo tưởng rằng thần tượng là bất khả xâm phạm, là vô can với mọi scandal, đặc biệt là trong cơn bão mua phiếu đăng cai World Cup 2006 đang làm chao đảo Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB).
Thế nhưng cái thời điểm mà họ lo sợ cuối cùng cũng đã đến Beckenbauer, cầu thủ vĩ đại nhất nước Đức, có dính líu đến bê bối hối lộ trong cuộc đua đăng cai World Cup 2006!
Theo nhật báo Sueddeutsche Zeitung (SZ), trong quá trình điều tra cáo buộc DFB lập quỹ đen để mua phiếu bầu đăng cai World Cup, các điều tra viên đã tìm thấy 1 bản dự thảo hợp đồng giữa Beckenbauer và Jack Warner, 72 tuổi, nguyên Phó chủ tịch FIFA và Chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribe - CONCACAF.
Theo SZ, nội dung dự thảo hợp đồng này liên quan đến việc tổ chức những trận đấu giao hữu "hái ra tiền" với đội tuyển Đức, cùng những ưu đãi trong việc mua vé. Cho dù bản hợp đồng này chưa bao giờ được chính thức ký kết, nhưng các điều tra viên vẫn xem đó là như là bằng chứng của âm mưu hối lộ Warner, khi mà thời điểm ký dự thảo diễn ra vào tháng 6.2000, chỉ vài ngày trước khi FIFA bỏ phiếu và giao quyền đăng cai World Cup 2006 cho Đức.
Phát biểu về dự thảo hợp đồng này trên Sky hôm 10.11, ông Reinhard Rauball, chủ tịch tạm thời của DFB, nói: "Nếu một kế hoạch như thế được đưa đề ra, thì người ta có quyền đặt nghi vấn, cho dù kế hoạch đó có được thực hiện hay không".
Warner là một trong số những quan chức FIFA bị bắt hồi tháng 5 vừa qua ở Zurich, Thụy Sĩ vì bị nghi ngờ liên quan đến các vụ gian lận, rửa tiền và hối lộ để ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022.
Franz Beckenbauer (thứ 2 từ trái sang) và Wolfgang Niersbach (bìa phải) cùng các đại biểu DBF nhận quyền đăng cai World Cup 2006 tại Zurich, Thụy Sĩ. Nay cả hai đều đang trở thành đối tượng điều tra liên quan đến cáo buộc hối lộ mua phiếu bầu. |
Sau một tuần bị điều tra và dưới sức ép của những cáo buộc liên quan đến quỹ đen mua phiếu bầu, ông Wolfgang Niersbach đã tuyên bố từ chức Chủ tịch DFB hôm 9.11. Trong phát biểu vừa nhàm chán vừa giống như phát biểu từ chức của Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn sau bê bối gian lận mức phát thải của các loại xe sử dụng nhiên liệu diesel, ông Niersbach vẫn khẳng định rằng ông không liên quan và cũng chẳng biết gì về mọi việc sai trái ở DFB, nhưng lại nói rằng "đã đến thời điểm để nhận một số trách nhiệm chính trị".
Trước khi từ chức để "nhận trách nhiệm chính trị", ông Niersbach đã đẩy luôn trách nhiệm sang cho Beckenbauer, sau khi bản thân bị người tiền nhiệm Zwanziger tố cáo là nói dối trắng trợn khi khẳng định chẳng biết gì về quỹ đen. Theo Niersbach, DFB đã tiến hành điều tra và tìm thấy một hợp đồng giao dịch "không phù hợp với quy định FIFA" giữa Beckenbauer và Sepp Blatter. Hợp đồng này được thỏa thuận trong một cuộc gặp gỡ cá nhân giữa Blatter và Beckenbauer hồi tháng 1.2002, 2 năm sau khi Đức chính thức được trao quyền đăng cai World Cup 2006. Trước đó, tạp chí Der Spiegel của Đức từng cáo buộc Beckenbauer có biết về “quỹ đen” mà DFB lập để mua phiếu bầu đăng cai World Cup 2006.
Cho đến nay, ngoài phát biểu tỏ ra hối tiếc vì đã có một giao dịch "bôi trơn" không hợp pháp nhằm đảm bảo có được nguồn hỗ trợ tài chính từ FIFA cho việc tổ chức World Cup 2006, Beckenbauer vẫn khẳng định là không biết gì về quỹ đen và chưa chính thức lên tiếng về những cáo buộc liên quan.
Năm ngoái, Beckenbauer từng bị phạt vì từ chối hợp tác trong vụ điều tra nghi án mua phiếu đăng cai World Cup 2018 và 2022, nhưng cuối cùng ông cũng chịu trả lời những câu hỏi thẩm vấn sau 2 tuần im lặng.
Với nghi án có liên quan trực tiếp đến Beckenbaurt là quyền đăng cai World Cup 2006 của DFB lần này, liệu ông có thể lẩn tránh, im lặng không hợp tác bao lâu khi ngày càng có nhiều mũi dùi và bằng chứng chống lại ông?
Beckenbauer luôn là một người thanh lịch và quyền lực, từ khi còn là cầu thủ, HLV trên sân cỏ, rồi bình luận viên bóng đá cho đến quan chức FIFA. Điều đó đã giúp ông vẫn giữ được vòng hào quang và uy thế ngay cả khi về hưu. Thế nhưng hình ảnh đó đang bị lu mờ dần...
Người Đức có thể không mất ngủ nhiều sau vụ bê bối của tập đoàn chế tạo xe hơi lớn nhất châu Âu Volkswagen, nhưng với chuyện liên quan đến một tượng đài sống như Beckenbauer, thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Hoàng Anh