Tám trong số 14 đồng minh ngoại giao của Đài Loan nằm ở tây bán cầu. Làm cách nào để Đài Bắc và Washington giữ được các đối tác này?

Tương lai ‘hiện trạng’ Đài Loan phụ thuộc nhiều vào khu vực Mỹ Latinh và Caribbean

Hoàng Vũ | 05/09/2022, 16:59

Tám trong số 14 đồng minh ngoại giao của Đài Loan nằm ở tây bán cầu. Làm cách nào để Đài Bắc và Washington giữ được các đối tác này?

Trung Quốc ngày càng tập trung chính sách đối ngoại của mình vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông và quan trọng nhất là Đài Loan. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc xâm nhập hằng ngày vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan, cùng các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Bắc Kinh cũng có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cô lập Đài Bắc về mặt ngoại giao và kinh tế nhằm đi đến mục đích cuối cùng là thống nhất hai bờ eo biển.

Với chính sách “một Trung Quốc”, Bắc Kinh tuyên bố bất kỳ quốc gia nào công nhận Ðài Loan đều không được quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Song, trên thực tế, Ðài Bắc vẫn có quan hệ ngoại giao với phần lớn thế giới thông qua các cơ chế phi chính thức. Nicaragua, một trong những đồng minh ở Mỹ Latinh của Ðài Loan năm ngoái đã tuyên bố chấm dứt quan hệ chính thức với Ðài Bắc, chỉ công nhận Bắc Kinh. Nicaragua là quốc gia thứ 8 chấm dứt quan hệ với Ðài Loan từ khi bà Thái Anh Văn - người từ chối công nhận chính sách “một Trung Quốc” trở thành nhà lãnh đạo năm 2016. Các nước có hành động tương tự trước đó là Sao Tome - Principe, Panama, Dominica, Burkina Faso, El Salvador, quốc đảo Solomon và Kiribati.

Trong số 14 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, 8 đồng minh ở châu Mỹ gồm Paraguay ở Nam Mỹ, Guatemala và Honduras ở Trung Mỹ, Haiti, Belize, St. Vincent và Grenadines, St. Kitts và Nevis, Saint Lucia ở cộng đồng Caribbean(CARICOM). Do đó, Đài Loan sẽ cần Mỹ xây dựng một chiến lược đảm bảo Đài Loan duy trì hiện trạng của mình ở khu vực bán cầu tây.

Tầm quan trọng của khu vực Mỹ Latinh và Caribbean (LAC) đối với vị trí và sự tồn tại của Đài Loan trong hệ thống quốc tế là điều không cần bàn cãi. Việc có quan hệ ngoại giao với gần 1/4 tổng số quốc gia ở châu Mỹ giúp Đài Loan duy trì chỗ đứng trong hệ thống toàn cầu. Các nhà lãnh đạo chính trị đồng minh của Đài Loan thường xuyên ủng hộ việc đưa đảo tự trị vào các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Y tế thế giới.

Đối với các đồng minh của Đài Loan, việc duy trì quan hệ cũng có lợi. Sự hiện diện của Đài Loan tại LAC kéo dài hơn 60 năm. Một số quốc gia, chẳng hạn như St. Vincent và Grenadines, St. Kitts và Nevis đã giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan kể từ khi các nước này tuyên bố độc lập. Dù Bắc Kinh cam kết mang lại nhiều lợi ích khi các nước này công nhận “một Trung Quốc”, sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo chính trị 2 quốc đảo này quyết định “đoạn tuyệt” với Đài Loan bởi ảnh hưởng của truyền thống chính trị trong nước quá lớn.

So với Trung Quốc, Đài Loan đã dành nhiều thời gian hơn cho 14 đồng minh chính thức của mình, điều này đảm bảo sự tham gia nhất quán. Đảo tự trị đã hiện diện và trang bị giúp khắc phục hậu quả đối với hầu hết các thảm họa thiên nhiên, giúp phục hồi kinh tế cho các nước đồng minh tại LAC. Các quốc gia trong khu vực này đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, lại ở nơi chịu nhiều thiên tai đứng thứ 2 trên thế giới.

Bất chấp những lợi ích rõ ràng của việc duy trì quan hệ với Đài Loan, sự cám dỗ của việc chuyển sang công nhận Trung Quốc vẫn luôn hiện hữu. Trung Quốc hiện coi quan hệ chặt chẽ với LAC là chìa khóa để cô lập Đài Loan. Trong LAC có 21 nước hiện là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường của Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác đang muốn gia nhập.

Đáng chú ý, trong thời kỳ đại dịch, cam kết của Trung Quốc về vắc xin COVID-19 cho Paraguay trong thời điểm thiếu hụt toàn cầu đã làm dấy lên báo động về việc liệu đồng minh duy nhất của Đài Loan ở Nam Mỹ có còn ủng hộ đảo tự trị. Trung Quốc được cho đã lặp lại chính sách tương tự đã áp dụng đối với các đồng minh trước đây của Đài Loan, gồm cả Panama, Dominica. Khi các thảm họa và thách thức tiếp tục gia tăng, cho dù đó là một đại dịch khác hay một thảm họa tự nhiên, Trung Quốc vẫn luôn tìm cách để “quyến rũ” thêm nhiều đồng minh của Đài Loan.

Trung Quốc đã học được giá trị của việc đáp ứng những nhu cầu tức thời của các nước LAC thông qua hỗ trợ khi có thiên tai mà không cần phải đầu tư lâu dài vào khu vực. Đối với Trung Quốc, đây là những nỗ lực chi phí thấp nhưng có tác động đáng kể. Khi khu vực này tìm cách đối phó các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang nổi lên, với một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng sắp xảy ra, Trung Quốc có thể một lần nữa thấy giá trị trong các chiến lược tương tự trong thời kỳ hậu đại dịch.

Các động thái gần đây của Mỹ, trong đó có chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và sự tăng cường quan hệ ngoại giao với Đài Loan, có thể trở thành chất xúc tác để Trung Quốc tìm kiếm một tư thế quyết đoán hơn trong việc hạn chế hình ảnh Đài Loan ở châu Mỹ. Do đó, tương lai của “hiện trạng” Đài Loan phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và Caribbean (LAC). So với các đồng minh khác của Đài Loan ở Thái Bình Dương và châu Phi, các nước LAC nắm giữ nhiều ảnh hưởng hơn cả về chính trị và kinh tế. Đài Bắc chắc chắn phải cần Washington giúp duy trị hiện trạng ngoại giao tại LAC, khu vực vốn từng được coi là “sân sau của Mỹ”.

Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Honduras hồi cuối năm ngoái, bà Xiomara Castro, thủ lĩnh đảng Tự do cánh tả, cũng cam kết sẽ “dứt tình” với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi thắng, bà tuyên bố Honduras vẫn duy trì các mối quan hệ ngoại giao hiện tại. Việc một phái đoàn của Mỹ đã được cử đến Honduras ngay sau khi bà Xiomara Castro thắng cử được cho là đã tác động tới quyết định ủng hộ Đài Loan của nữ lãnh đạo này. Đây có thể là một ví dụ cho thấy cách Mỹ can thiệp để bảo vệ hiện trạng ngoại giao đối với Đài Loan.

Bên cạnh đó, dù sự chú ý của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã suy giảm, nhiều công dân ở các quốc gia liên minh với Đài Loan vẫn luôn ủng hộ quan hệ với Washington. Họ cho rằng việc quan hệ với Đài Loan sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội để có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Mỹ. Do vậy, Mỹ nên theo đuổi một chiến lược để giúp Đài Loan bám sát các đồng minh của mình.

Trong khi sự tham gia hỗ trợ các nước đồng minh LAC của Đài Loan vẫn đang mạnh mẽ, nhưng về vật chất và tài chính thì đảo tự trị không thể cạnh tranh với nguồn lực lớn từ Trung Quốc. Washington nên xem xét hợp tác cùng Đài Bắc để cung cấp khoản viện trợ, cho vay đối với các đồng minh LAC. Làm như vậy sẽ tăng tầm ảnh hưởng kinh tế của Đài Loan và sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho những nhà lãnh đạo các nước LAC, những người đang cảm thấy phải “bắt buộc” có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để đổi lại khả năng tiếp cận tài chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tương lai ‘hiện trạng’ Đài Loan phụ thuộc nhiều vào khu vực Mỹ Latinh và Caribbean