Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và răn đe, truy tố các cá nhân tung tin thất thiệt.
Xử lý việc tung tin thất thiệt
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29.4, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã trả lời báo chí về tiến độ và kết quả điều tra của một số vụ án nổi cộm gần đây như vụ án tại Công ty cổ phần TNHH Việt Á, vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC, vụ án lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng với đó là vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Trí Việt và Louis Holdings.
Ông Xô cho biết thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt các cơ quan tố tụng, đã khởi tố các vụ án được dư luận quan tâm. Tất cả các vụ án này đều được Bộ Công an thông tin nhanh chóng, cởi mở trong điều kiện cho phép để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chi tiết điều tra, chúng tôi chưa thể thông tin được, khi có kết quả sẽ thông báo sớm.
Với việc tung tin thất thiệt, ông Xô cho biết nhiều chuyên gia đã đề cập, những thông tin này không chỉ gây thất thiệt trên thị trường chứng khoán mà cả trên mạng xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội hiện nay như một xã hội thực, rất phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị như an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế… tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và răn đe, truy tố các cá nhân tung tin thất thiệt.
“Chúng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết như gọi hỏi bao nhiêu người, răn đe bao nhiêu người…”, ông Xô nêu.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, các cảnh báo, biện pháp được đưa ra từ hành chính đến hình sự theo từng cấp độ. “Chúng tôi có nhiều biện pháp giáo dục và răn đe. Các biện pháp cảnh báo chúng tôi cũng đã thông tin đầy đủ trên các phương tiện như thông tin để những ai quan tâm có thể tham khảo”, ông Xô nói.
Bao giờ xem COVID-19 là bệnh lưu hành?
Báo chí cũng đề nghị Bộ Y tế cho biết hiện nay việc cách ly và thực hiện 5K có còn phù hợp nữa hay không? Sắp tới Bộ Y tế dự tính sẽ thay đổi như thế nào? Đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh lưu hành hoặc cúm mùa hay chưa?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng nước ta là 1 trong 6 nước đứng ở top đầu tốc độ phủ vắc xin. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Tính đến hết ngày 28.4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm.
Về áp dụng 5K, ngay từ đầu Bộ Y tế đưa ra không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả. Thứ hai, trước hết chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khẩu, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người.
Do vậy, theo ông Tuyên, trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng bộ, ngành thực hiện cho phù hợp.
“Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường; tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt, chúng ta đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại”, ông Tuyên nói.
Ngoài những biện pháp 5K như vừa nói thì chúng ta vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 28.4, đối tượng này mới tiêm được xấp xỉ 60% trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành trong quý 2 này.
Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vắc xin họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý 2.
“Chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động các đối tượng đi tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4 (sau khi có hướng dẫn tiêm mũi 4), và đặc biệt là tuyên truyền vận động để các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế đưa trẻ em đến các điểm tiêm như Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, để chúng ta đẩy nhanh tiến độ tiêm nhanh nhất và độ phủ nhanh nhất. Hiện nay tình hình dịch đã được kiểm soát, một số người dân hoặc phụ huynh có tư tưởng chủ quan, lơ là, chưa tích cực tham gia tiêm chủng. Nên hạn chế tập trung đông người không cần thiết”, ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cũng cho hay trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng có một số nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không bắc buộc cách ly đối với người tiếp xúc gần hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, như ở Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Hoặc một số nước thông báo dần dần coi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành như Thái Lan, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Họ căn cứ trên cơ sở và chỉ số tử vong thấp, hoặc tỷ lệ bệnh nặng phải nhập viện và đặc biệt là độ bao phủ vắc xin cao.
“Ở nước ta dịch được kiểm soát rất tốt, tuy nhiên theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới. Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành”, ông Tuyên nêu.
Theo ông Tuyên, căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần. Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.
“Như vậy dù dịch của chúng ta đã được kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh nước ta có độ bao phủ vắc xin lớn nhưng độ mở cửa của chúng ta cũng rất lớn, trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch”, ông Tuyên nhấn mạnh.