Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên.

Tỷ lệ người dân thất nghiệp, số DN rút khỏi thị trường gia tăng

Lam Thanh | 22/07/2021, 09:52

Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên.

Sáng 22.7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

pbm.jpg
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo trước Quốc hội

Thúc đẩy mọi biện pháp để có vắc xin sớm nhất

Từ đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, với gần 200 triệu ca mắc, trên 4 triệu trường hợp tử vong.

Trong nước, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP.HCM.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới.Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách Trung ương được bảo đảm; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỉ USD, tăng 6,8%.

Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc tồn tại trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm; số dự án giai đoạn 2021-2025 dự kiến dưới 5.000, giảm mạnh so với các nhiệm kỳ trước.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ nỗ lực thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đưa dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động.

Chính phủ cũng cho biết đã chấn chỉnh, xử lý nghiêm và khắc phục vi phạm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng; Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng 4,6% so cùng kỳ, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài; tình hình khiếu nại tố cáo giảm; hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản qua công tác thanh tra có chuyển biến tích cực.

Số DN rút khỏi thị trường tăng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng vi rút mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn; các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động; trong khi ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm.

Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay để phát huy vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược còn nhiều hạn chế, bất cập, cần sớm được giải quyết. Xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực cải thiện còn chậm. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự, ma túy, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp trên một số địa bàn. Trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Bài liên quan
Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16.4.2024 quy định về hoạt động lấn biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ người dân thất nghiệp, số DN rút khỏi thị trường gia tăng