Số liều vắc xin COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.
Ngày 14.6, Bộ Y tế đã thông tin về một số kết quả y tế nổi bật trong quý 2/2023 và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19 đảm bảo đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến ngày 29.5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc COVID-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).
Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn, tỷ lệ nặng cũng giảm, bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Điều đáng nói, số liều vắc xin COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.
Đến nay, tổng số liều vắc xin đã tiêm là hơn 266 triệu. Tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
Từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31.12.2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Bộ đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm; hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Đồng thời, Bộ cũng gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31.12.2024; cấp số lưu hành hơn 44.000 trang thiết bị y tế (loại A: 27.847 hồ sơ; loại B: 14.508 hồ sơ; loại C, D: 1.673 hồ sơ).
Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới ngành y tế sẽ tăng cường giám sát các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế bám sát diễn biến tình hình dịch H5N1, dịch tả trên thế giới và trong khu vực, sẵn sàng phương án đáp ứng kịp thời khi có ca bệnh trong nước; triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện nay; nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện…