Ngày 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31.12.2023.

UBTV Quốc hội thống nhất kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối 2023

Lam Thanh | 14/04/2022, 14:26

Ngày 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31.12.2023.

Kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình/ kế hoạch hành động bám sát tinh thần của Nghị quyết số 42.

Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31.12.2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15.8.2017).

42-1.jpg
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VPQH

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.12.2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý. Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương.

Bà Hồng nêu rõ, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.

“Việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 là vấn đề cấp bách về kinh tế để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch COVID-19…”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết (như xử lý tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, DATC và các tổ chức, cá nhân khác...); đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích ảnh hưởng của việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định…

42-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Đối với dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn toàn bộ thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết.

Về trình tự, thủ tục, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Quốc hội xem xét và thông qua tại 1 kỳ họp (tháng 5.2022) theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp, bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết trong 2 năm.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, đề nghị chỉ cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung gồm: bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, và bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là DATC (tương tự như VAMC).

Kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31.12.2023

Để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu,.. tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất; gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.

Ông Huệ đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31.12.2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.

42-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản,…

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về việc bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% các thành viên Thường vụ có mặt biểu tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị dự thảo nghị quyết.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về hình thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp. Đồng thời, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, thời hạn kéo dài đến ngày 31.12.2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết 42.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UBTV Quốc hội thống nhất kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối 2023