Tình trạng bùng phát bệnh loét Buruli tại bang Victoria (Úc) vẫn chưa có được lời giải thích thỏa đáng từ giới khoa học.
Khi chân trái xuất hiện vết đỏ vào năm 2018, nhà thiết kế bất động sản Ali Waight sống ở thị trấn ven biển Point Lonsdale chỉ nghĩ mình bị muỗi đốt. Nhưng trong vòng vài ngày vết đỏ biến thành “một lỗ lớn”.
Sau đó cô trải qua gần một năm khốn khổ: “Tôi không được phép chơi với con, không được phép đi bơi, đi làm, đạp xe, dắt chó đi dạo, thậm chí đi bộ cũng không được. Căn bệnh cứ kéo dài, thật mệt mỏi”.
Bà Waight bị chẩn đoán mắc bệnh loét Buruli - gây ra bởi vi khuẩn “ăn thịt” tên mycobacterium ulcerans, có thể tạo vết thương hở lớn, nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại tàn tật vĩnh viễn.
Loét Buruli xuất hiện tại bang Victoria lần đầu vào đầu những năm 1990, nhưng số người mắc bệnh bỗng nhiên tăng vọt thời gian gần đây: 277 ca năm 2017, 340 ca năm 2018, 299 năm 2019, 218 ca năm 2020. Năm 2021 chỉ mới qua hơn 3 tháng mà đã có 38 ca, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Waight cho rằng chính ruồi trâu lây mycobacterium ulcerans cho mình. Bà phải làm 2 cuộc phẫu thuật, dùng kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
“Tôi thấy vô cùng mệt mỏi và chán nản. Tôi biết nhiều người ngừng sử dụng thuốc sau 48 giờ vì tác động lên sức khỏe tâm thần mà họ gặp phải. Đó cũng chính là loại thuốc cực mạnh điều trị bệnh hủi”, Waight chia sẻ.
Một số người sẽ hồi phục nhanh chóng nếu cắt bỏ chỗ loét. Waight không may mắn như vậy: “Tôi tìm thấy trên Facebook một nhóm của những người gặp tình cảnh tương tự. Tôi nhận ra mình không cô đơn”.
Trong nhóm Facebook có người cho biết mình đã mất tay/chân, vài người khác bị 6 bác sĩ khác nhau chẩn đoán sai. Tất cả đều tỏ thái độ hoang mang.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định độ tuổi trung bình của người mắc bệnh loét Buruli tại Úc là khoảng 60, nhưng trẻ em cũng không miễn dịch trước bệnh này.
Y tá Tanya Webster có con trai 16 tuổi của mắc bệnh năm 2016, trên tay cậu sau 18 tháng điều trị vẫn còn vết lõm lớn. Loét Buruli cũng không tha cho đứa con 2 tuổi của bà.
“Tôi vốn nghĩ bản thân thật xui xẻo. Tuy nhiên thực tế là hiện nay việc nhiều người trong một gia đình bị loét Buruli không hiếm”, theo nữ y tá.
Bên ngoài bang Victoria, loét Buruli chủ yếu xuất hiện ở khu vực nghèo khó thuộc miền trung và miền tây châu Phi. Số ít ca nhiễm được ghi nhận ở Nam Mỹ, Papua New Guinea, Nhật Bản.
Giới khoa học tin rằng loét Buruli cũng như 75% bệnh xuất hiện gần đây (kể cả COVID-19) đều là lây từ động vật sang người. May mắn mycobacterium ulcerans dường như không lây từ người sang người nên nguy cơ bùng phát quy mô toàn cầu khá thấp.
Nhưng qua nhiều thập niên nghiên cứu thì giới khoa học vẫn hiểu biết rất ít về loét Buruli. Bang Victoria không giống điểm đến lý tưởng cho bệnh bùng phát mạnh. Hơn nữa giới chức địa phương còn bắt đầu ghi nhận vài ca nhiễm không sinh sống ven biển.
Sở Y tế Victoria tháng trước thông báo có người mắc loét Buruli sống ở nội thành Melbourne, mặc dù vùng nguy cơ cao vẫn là duyên hải.
Theo giáo sư Ary Hoffman thuộc Đại học Melbourne: “Còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Có dữ liệu cho thấy bệnh liên quan đến thú có túi và muỗi. Giả thuyết hợp lý nhất hiện tại là vi khuẩn lây từ thú có túi sang người thông qua muỗi”.
Chưa rõ vì sao loét Buruli lây lan nhanh và mạnh hơn. Giáo sư Hoffman chưa thể giải thích: “Quá nhiều yếu tố liên quan. Có phải vì thú có túi và con người tiếp xúc nhiều hơn không? Có phải do số lượng muỗi gia tăng không? Chúng tôi không biết”.
Phó giáo sư Daniel O’Brien thuộc Trung tâm y tế Barwon Health rất lo ngại do những ca nhiễm ông gặp ngày càng nghiêm trọng: “Vết loét lớn hơn, phá hủy mô nhiều hơn, gây khó khăn cho điều trị và để lại hậu quả lâu dài”.
Để tìm kiếm câu trả lời, chính quyền liên bang cùng Hội đồng Y tế - Sức khỏe quốc gia Úc dành hơn 2 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu loét Buruli.
Trước mắt giới khoa học khuyến nghị nên áp dụng biện pháp tức thời là giảm số lượng muỗi. Nỗ lực cần cả chính quyền lẫn người dân cùng thực hiện.
Nhà thiết kế bất động sản Waight cùng y tá Webster nghĩ rằng cần nâng cao ý thức của mọi người về căn bệnh, người có triệu chứng đáng ngờ nên đi xét nghiệm.