Báo The Wall Street Journal (WSJ) nêu khả năng Ukraine bắn xe bọc thép Nga bằng tên lửa, khi đề cập Lầu Năm Góc tính cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine, với lý do đề phòng Nga xâm lược nước này.
Kế hoạch trên xuất hiện vào lúc quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng hơn bao giờ hết, và quân đội Ukraine lại đánh nhau với quân ly khai ở miền đông Ukraine. Trong 3 ngày đầu tháng 7, 15 lính Ukraine bị chết, 24 lính khác bị thương. Còn tính đếnsau20 ngày đầu tháng thì có ít nhất 25 lính Ukraine thiệt mạng, 43 người khác bị thương.
Chương trình cấp tên lửa Ngọn Lao
Các quan chức 2 Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nói tên lửa chống tăng - chủ yếu là tên lửa Ngọn Lao (Javelin) và có thể vũ khí phòng không cùng các loại vũ khí khác đều là vũ khí phòng thủ, nhằm ngăn chặn những hành vi hung hăng của Moscow.
Các quan chức Mỹ lo ngại cuộc nội chiến đã tăng cấp độ, vì đã có nhiều vụ vi phạm thỏa thuận ngưng bắn mà Nga - Ukraine đã đạt được tại Belarus hồi năm 2015.
Mỹ và các nước khác nói Nga đã cấp xe tăng cùng những vũ khí hiện đại và cố vấn quân sự cho quân ly khai đánh quân chính phủ Ukraine.
Tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy quân sự Mỹ và NATO, nói: “Nga cấp phương tiện, gồm nhiều loại hiện đại, và cấp quân ủy nhiệm cùng các cố vấn”.
Ukraine từ lâu muốn có Ngọn Lao để chống xe bọc thép do Nga sản xuất, được quân ly khai sử dụng ở những vùng đất họ chiếm tại đông Ukraine.
Tuy nhiên,các quan chức Mỹ nói kế hoạch sẽ là triển khai tên lửa chống tăng cho quân Ukraine đóng cách xa chiến tuyến, nhằm kéo giảm nguy cơ gia tăng căng thẳng, cũng như để xóa tan các chỉ trích rằng động thái này sẽ khuyến khích Ukraine chuyển qua thế tấn công.
Tên lửa Ngọn Lao cùng dàn phóng nhẹ và do tổ 2 người thực hiện phóng nên chúng có khả năng cơ động cao. Nếu Ukraine sử dụng được tên lửa này, Mỹ có thể ngưng hỗ trợ kỹ thuật.
Đặc sứ Mỹ Kurt Volker ở Ukraine ủng hộ kế hoạch này, nói “vũ khí phòng thủ” sẽ cho phép Ukraine tự vệ, ví dụ bắn hạ xe tăng địch.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc là nữ Trung tá Michelle Baldanza, nói Mỹ không loại trừ phương án “cấp vũ khí phòng thủ gây sát thương cho Ukraine”.
Theo các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ủng hộ kế hoạch. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đồng ý bình luận.
Một quan chức chính phủ Mỹ nói chưa có quyết định về đề xuất cấp vũ khí cho Ukraine, và chuyện này không được nêu ở cuộc họp cấp cao Mỹ - Nga hồi tuần trước.
Quan chức giấu tên này nói Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa được báo cáo kế hoạch này, và không rõ quan điểm của ông Trump sẽ thế nào.
Một số quan chức Mỹ - Ukraine cho rằng sẽ mất nhiều tháng trước khi Nhà Trắng có quyết định cuối cùng.
Hồi tháng 6, Mỹ đồng ý cấp phương tiện phòng thủ cho Ukraine, gồm radar và máy bay không người lái.
Lính Ukraine trưng mảnh pháo Nga
Mỹ - Âu bị chia rẽ về các phản ứng của Nga
Các quan chức châu Âu và Mỹ đang bị chia rẽ, về cách Nga sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine.
Một số người cho rằng kế hoạch sẽ ép Moscow trở lại bàn đàm phán, nhưng những người khác nói kế hoạch chỉ khiến quân đội Nga làm nóng thêm tình hình.
Nhưng khi bạo lực gia tăng ở Ukraine, quân ly khai còn tuyên bố lập nhà nước Tiểu Nga trên toàn Ukraine, các quan chức phương Tây nói việc cố gắng tăng sức ép đối với Nga là “không có gì để mất”.
Bất kỳ quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ càng khiến quan hệ Mỹ - Nga xuống cấp mạnh.
Các quan chức Nga từ lâu phủ nhận sự "chống lưng"quân ly khai, chỉ trích phương Tây huấn luyện quân đội Ukraine.
Kế hoạch trên được công bố, sau khi Quốc hội Mỹ lại trừng phạt Nga sáp nhập Crimea năm 2014, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nga đã phản ứng lại bằng cách trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ hôm 31.7, thậm chí nhốt họ trong một tòa nhà trước khi họ có thể đem hành lý ra ngoài.
Vài ngày qua, các quan chức Nga nói bất kỳ động thái nào của Mỹ - cấp vũ khí cho Ukraine - sẽ gây hại cho nỗ lực xây dựng hòa bình ở Ukraine.
Một quan chức Ukraine nói kế hoạch của Lầu Năm Góc có thể thuyết phục Nga giảm hoạt động ở miền đông Ukraine.
Người này cũng nói Kiev đã chấp nhận rằng bất kỳ vũ khí hiện đại nào do Mỹ cấp cũng sẽ chỉ được sử dụng trong "tình trạng khẩn cấp", chứ không trong các trận đánh với quân ly khai.
Thời Tổng thống Barack Obama từng xem xét ý định cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng vấp phải sự phản đối đáng kể của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ.
Vì thế, Mỹ chỉ cấp radar tầm ngắn, ống nhòm nhìn ban đêm cùng các phương tiện khác.
Đức - Pháp ngại chuyện cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ càng làm gia tăng căng thẳng, và khiến xung đột ở miền đông Ukraine càng quyết liệt.
Nhưng các quan chức Mỹ nói họ hy vọng các đồng minh - gồm Anh, Canada, Ba Lan và Litva - sẽ sẵn lòng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Anh Mark Sedweel nói: “Điều thật quan trọng là chúng ta không nên làm nóng tình hình. Sẽ có nhiều sự khó chịu ở vùng biên giới đông Ukraine”.
Theo WSJ, từ sau lần Nga sáp nhập Crimea rồi bắt đầu ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine, Mỹ lo ngại xung đột gia tăng, chỉ hỗ trợ huấn luyện và cấp vũ khí không sát thương cho quân đội của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Chính phủ Mỹ đã ráng tìm tiếng nói chung với Nga. Hai bên đều có những thành công hạn chế, trong việc lập một vùng an toàn ở tây nam Syria, và muốn có thêm các vùng an toàn khác.
Nhưng sự hợp tác mạnh giữa Mỹ - Nga đã bị phức tạp, từ chuyện Quốc hội Mỹ điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cùng nghi án các quan chức Nga tiếp xúc với nhóm tranh cử của ông Trump.
Khoảng 10.000 người đã chết trong cuộc nội chiến Ukraine từ năm 2014, theo LHQ. Việc Nga hỗ trợ quân ly khai càng rõ, sau vụ một máy bay thương mại của Malaysia bị bắn rơi hồi tháng 7.2014.
Các nhà điều tra quốc tế khẳng định một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất đã bắn hạ chiếc máy bay này.
Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)