Việc AI tạo ra sự khác biệt đến mức nào trên chiến trường vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi với nhiều chuyên gia quân sự.
Hồ sơ

Ukraine trở thành bãi thử nghiệm chiến đấu AI - Kỳ 2: Nguy cơ vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo

Hoàng Vũ (theo Politico) 23/05/2024 11:18

Việc AI tạo ra sự khác biệt đến mức nào trên chiến trường vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi với nhiều chuyên gia quân sự.

Jim Acuna, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là người sáng lập một trường dạy phi công máy bay không người lái ở Estonia, tỏ ra nghi ngờ về AI trong chiến đấu. “Tất cả chỉ là mơ tưởng, không phải hiện thực”, ông nói.

Franz-Stefan Gady, cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh), cho rằng các hệ thống vũ khí tự động hay vận hành bằng AI chưa thể được triển khai thực sự trên quy mô lớn một cách nhất quán và cơ sở hạ tầng không đủ để hỗ trợ.

Trong khi đó, các nhà phát triển công nghệ quân sự lại có quan điểm khác. Louis Mosley, Phó chủ tịch khu vực châu Âu của "gã khổng lồ" trí tuệ nhân tạo Palantir Mỹ, cho biết: “Nếu phóng to, các chương trình AI sẽ trông giống như các dự án thí điểm. Nhưng khi thu nhỏ, có thể thấy rằng đây chính là cách mà cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra”.

Tương lai của công nghệ chiến tranh đang được viết ở Ukraine

Cuộc chiến tại Ukraine cũng như một số nơi khác cho thấy một thực tế đang nổi lên: sự hiện diện của các UAV "sát thủ" có thể sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn cho những cuộc chiến trên toàn cầu.

Peter W. Singer, một nhà phân tích quốc phòng và là tác giả cuốn sách bán chạy nhất năm 2009 Wired for War, nhận định xung đột ở Ukraine đóng một vai trò tương tự cuộc diễn tập cho các kỹ thuật và công nghệ mới trong chiến tranh.

“Khi Ukraine và Nga giao tranh, tất cả những người khác đang theo dõi và học hỏi. Họ không chỉ theo dõi và tìm hiểu về chiến hào mà còn về cách sử dụng máy bay không người lái và AI, cũng như cách chúng được kết hợp với nhau”, ông Singer nói.

uav-ukraine3.png
Quân nhân Ukraine luyện tập điều khiển máy bay không người lái - Ảnh: Getty

Ukraine đã thu hút hàng chục công ty công nghệ và quốc phòng phương Tây thử nghiệm, hoặc quảng cáo các sản phẩm quân sự của mình. Giám đốc Điều hành chương trình Brave1, Nataliia Kushnerska cho biết: “Nếu các công ty muốn làm điều gì đó trong lĩnh vực đổi mới quốc phòng, họ phải có mặt ở Ukraine. Ukraine chắc chắn là hệ sinh thái đổi mới năng động nhất trên thế giới”.

Công ty công nghệ Đức Quantum Systems đã triển khai 400 máy bay không người lái trinh sát ở Ukraine, với hợp đồng cung cấp thêm 800 chiếc. Giám đốc điều hành Quantum Systems, ông Florian Seibel, tiết lộ công ty này đã được cấp phép xây dựng một nhà máy sản xuất UAV ở Ukraine.

Máy bay không người lái của Quantum Systems rất đắt tiền, ở mức 200.000 euro mỗi chiếc, nhưng chúng được tích hợp AI để hoàn thành dễ dàng các nhiệm vụ tấn công hoặc trinh sát bất chấp các điều kiện khắc nghiệt về môi trường hay tình trạng nhiễu sóng hoặc bị ngắt kết nối GPS.

Những trải nghiệm ở Ukraine đã thuyết phục Seibel thành lập một chương trình có tên Stark Defense để phát triển vũ khí tự động với khả năng tấn công toàn diện.

“Nếu chúng ta không muốn con cái mình chiến đấu với robot chiến tranh của kẻ thù trong tương lai, thì chúng ta phải tự mình bắt tay vào nghiên cứu về robot. Điều quan trọng là hệ thống của Stark là khả năng hoạt động mà không cần có sự tham gia của con người”, CEO Quantum Systems cho hay.

Ông Seibel cũng thừa nhận rằng đây là một cách tiếp cận gây tranh cãi. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị cơ sở để đáp ứng các mục tiêu này, nhưng cuối cùng, đó không phải là quyết định của tôi. Nó còn tuỳ thuộc vào quyết định của chính phủ Đức... Chúng tôi cũng sẽ triển khai dự án này bất cứ khi nào chúng tôi nghĩ rằng nó đã sẵn sàng và bất cứ khi nào người Ukraine quyết định làm như vậy”, ông nói.

Đáng chú ý, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức hồi tháng 3 cho biết công ty có kế hoạch thiết lập ít nhất 4 nhà máy ở Ukraine, với mục tiêu đạt doanh thu kỷ lục 10 tỉ euro (10,9 tỉ USD) trong năm nay. Tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức được cho là đang phát triển một loại máy bay không người lái (UAV) hoàn toàn mới cho các nhiệm vụ chiến đấu từ trên không.

Chạy đua vũ khí tự động và AI trong quân sự

Vào cuối tháng 4, các đại biểu từ 143 quốc gia đã cùng các nhà hoạt động, học giả đã đến hội trường trang trọng của cung điện hoàng gia Hofburg ở Vienna (Áo) để tham dự hội nghị lớn nhất từ ​​trước đến nay về hệ thống vũ khí tự động.

“Các hệ thống vũ khí tự động sẽ sớm tràn ngập các chiến trường trên thế giới… Công nghệ AI đang tiến lên phía trước với tốc độ chạy đua, trong khi chính trị thì tụt lại phía sau”, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg phát biểu tại sự kiện.

Mùa hè năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks tuyên bố Lầu Năm Góc đang tìm cách xây dựng hàng nghìn “hệ thống tự động có khả năng vượt qua công nghệ của Trung Quốc.

Vào đầu tháng 5, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã ngồi trên chiếc tiêm kích F16 do AI điều khiển. Không quân Mỹ đang tích cực đầu tư vào AI và có kế hoạch xây dựng lực lượng gồm hơn 1.000 chiến đấu cơ không người lái do công nghệ này điều khiển. Chiếc đầu tiên dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2028.

Ngoài ra, thủy quân lục chiến Mỹ được cho là đang thử nghiệm những chú chó robot được trang bị súng trường để đưa vào chiến trường để xác định mục tiêu trước khi xin phép tấn công.

Đầu năm 2023, Cơ quan Đổi mới Quốc phòng của Pháp đã đưa ra lời kêu gọi đấu thầu cho hai nỗ lực quốc gia nhằm phát triển máy bay không người lái tự sát, một số trong số đó sẽ được giao cho Ukraine trong những tháng tới. Quốc hội Liên bang Đức trong tháng này cũng ​​​bắt đầu thảo luận về một đề nghị mang tên “xây dựng đội quân máy bay không người lái”.

Trung Quốc đang phát triển máy bay không người lái được tăng cường AI. Quân đội của nước này đã thử nghiệm các máy bay không người lái có khả năng thực hiện một cuộc tấn công khi mất liên lạc với người điều khiển.

Bên kia eo biển Đài Loan, giới chức hòn đảo tự trị cho biết đã lấy được “nguồn cảm hứng lớn” từ việc sử dụng vũ khí tự động ở Ukraine và kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách về máy bay không người lái với Bắc Kinh. Iran và Nga cũng đang nỗ lực tích hợp AI vào đội tàu bay của họ.

Tranh cãi về AI và vũ khí tự động trong quân sự

Cũng trong sự kiện vũ khí tự động tại Áo hồi tháng 4, Jaan Tallinn, một doanh nhân công nghệ người Estonia đã đưa ra cảnh báo về những nguy hiểm mà AI có thể gây ra.

“Nguy cơ đi kèm với vũ khí tự động hoặc robot sát thủ, là một ‘cuộc chạy đua vũ trang tự sát’. Giết người hàng loạt sẽ trở thành một việc dễ dàng, được cơ giới hóa. Máy bay không người lái do AI điều khiển sẽ được triển khai trong các vụ ám sát hoặc bởi những kẻ khủng bố nhắm vào dân thường hay các chính trị gia”, ông nói.

Theo Anthony Aguirre, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Tương lai cuộc sống - một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy công nghệ biến đổi theo hướng mang lại lợi ích cho cuộc sống và tránh xa những rủi ro quy mô lớn, tập trung vào rủi ro hiện hữu từ trí tuệ nhân tạo tiên tiến - vấn đề không phải là những gì đang diễn ra ở Ukraine ngay bây giờ mà là điều gì sẽ xảy ra khi các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ tham gia vào cuộc chơi AI.

“Nếu có nửa triệu máy bay không người lái trong một container vận chuyển có thể đi ra ngoài và giết chết khoảng nửa triệu người, thì đó chính là vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Aguirre nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Áo Schallenberg cho biết, cần có “một công cụ quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý” - một hiệp ước cấm các loại vũ khí tự động hoàn toàn mà người vận hành không thể dự đoán hoặc giải thích được hành động của chúng. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Áo thừa nhận nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nga, phản đối sáng kiến ​​này và đã nói rõ điều đó trong hội nghị.

Các chuyên gia về kiểm soát vũ khí và tổ chức nhân đạo lo ngại một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo có thể tự động thả bom mà không cần ý kiến của con người. Họ đang tích cực vận động để ban hành thêm các hạn chế với việc sử dụng công nghệ này.

f16-my.png
Tiêm kích F-16 phiên bản máy bay không người lái, có tên Vista (dưới) cất cánh từ căn cứ không quân Edwards tại bang California, chở theo một hành khách đặc biệt ở ghế trước là Bộ trưởng Không quân Frank Kendall hôm 2.5 - Ảnh: Không quân Mỹ

Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế cảnh báo "có rất nhiều ý kiến lo ngại sâu sắc về việc trao cho các các cảm biến và phần mềm quyền đưa ra những quyết định sinh tử". Vũ khí tự động là "mối lo ngại tức thì, đòi hỏi phải có phản ứng chính trị quốc tế khẩn cấp".

Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ra lo ngại với những hệ thống vũ khí đang được phát triển gần đây. Trước cuộc chạy đua phát triển và triển khai công nghệ mới có thể làm thay đổi bản chất chiến tranh, nhiều nước đã đề nghị Liên Hiệp Quốc áp đặt các quy tắc ràng buộc pháp lý đối với việc sử dụng vũ khí sát thương tự động.

Tuy nhiên, các quốc gia như Mỹ, Nga, Úc và Israel lập luận hiện chưa cần đến các quy định quốc tế mới về AI. Chưa kể, Mỹ, Trung Quốc và Nga còn khẳng định rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí tự động có thể giảm thương vong cho dân thường và tránh được các thiệt hại vật chất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp quốc phòng phương Tây cũng cho rằng những cuộc tấn công chết người được điều khiển hoàn toàn bằng AI còn mất nhiều năm nữa mới thành hiện thực. Bởi hiện tại các thuật toán tiên tiến nhất vẫn chưa đủ tin cậy để đưa ra các quyết định sống còn.

Đáng chú ý, phái đoàn Kyiv tại hội nghị Vienna không đưa ra tuyên bố nào về AI, song Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng phụ trách Đổi mới kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine nói rằng ông không tin vào “các quyết định nhanh chóng nhằm hạn chế những công nghệ AI trong quân sự, bởi chúng đang tích cực phát triển và vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về cách chúng có thể có tác động tiêu cực”.

“Tôi chắc chắn rằng vấn đề hạn chế sử dụng AI sẽ được giải quyết. Và đó có thể là sau chiến thắng của chúng tôi”, ông Fedorov lạc quan nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều 12.6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã họp đánh giá về tình hình và kết quả công việc tháng 4, tháng 5 năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine trở thành bãi thử nghiệm chiến đấu AI - Kỳ 2: Nguy cơ vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo