Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và xu hướng ngày càng trẻ hóa độ tuổi bị ung thư khiến nhiều người lo lắng.

Ung thư ở người trẻ: Con số đáng báo động

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 04/11/2022, 16:56

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và xu hướng ngày càng trẻ hóa độ tuổi bị ung thư khiến nhiều người lo lắng.

Ung thư ngày càng trẻ hóa do thói quen ăn uống không lành mạnh

Tại Hội thảo phòng chống ung thư được tổ chức sáng 4.11 tại Hà Nội, TS.BS Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990 và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.

Năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185) quốc gia và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đã tăng lên 6 bậc (xếp thứ 50/185) quốc gia so với ghi nhận năm 1998.

Tính trung bình mỗi năm cả nước có 22.000 ca mắc mới. Số người tử vong vì ung thư trong năm 2020 là 122.690 trường hợp, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm. Hiện tại, có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. 

Nếu như trước đây, căn bệnh ung thư thường được phát hiện đối với những người già từ 50-60 tuổi thì hiện nay, số lượng người trẻ mắc ung thư từ tuổi 25 cũng rất nhiều. Chẳng hạn như ung thư dạ dày, gan, vú… trước đây thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay có những trường hợp 25-30 tuổi đã mắc bệnh. Thậm chí có những bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư dạ dày khi mới chỉ 12, 13 tuổi.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết, bệnh ung thư phổ biến ở nước ta là do nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt và xem nhẹ sức khỏe, không đi khám, kiểm tra định kỳ. Nhiều người mắc bệnh mà không biết mình đang ở thời kỳ cuối của giai đoạn ung thư vì cơ thể không có bất cứ biểu hiện nào. Đến khi xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như đau tức ngực, khó thở, đau bụng, ăn gì nôn đó... thì căn bệnh đã bước vào giai đoạn cuối.

benh-vien-y-hoc-co-truyen-trung-uong-3.jpg
Việc điều trị ung thư gây tốn kém và ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người dân

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư gia tăng, đặc biệt tăng nhanh ở những người trẻ tuổi thường do những thói quen như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn thực phẩm nhiều dầu, thức khuya, ăn nhanh, không vận động...

“Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày, dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là từ 72% đến 92%. Còn phát hiện muộn, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần và khi đó việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống. Người dân cần tự xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm" - bác sĩ Bình cho hay.

Theo các chuyên gia y tế hiện nay có 3 tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời...), tác nhân hóa học (phẩm nhuộm...) và tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B...) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Với lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những người trẻ tuổi. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều.

Bên cạnh đấy, sự xem nhẹ các phương pháp bảo vệ sức khỏe và đề phòng bệnh tật cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số người mắc bệnh ngày càng cao. Vì việc tầm soát ung thư và tiến hành kiểm tra, theo dõi bệnh khi có các triệu chứng ở người Việt vẫn chưa thật sự được người dân chú trọng.

Ung thư cần có phác đồ điều trị riêng

Nhìn chung bệnh ung thư trở nên quá phổ biến ở nước ta là do thói quen ăn uống sinh hoạt, xem nhẹ sức khỏe của bản thân không có ý thức bảo vệ sức khỏe. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hay tầm soát ung thư là việc ít được chú trọng, kể cả đối với những người dân sinh sống ở các thành phố lớn có điều kiện kinh tế hơn hay có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị y tế hiện đại. Bên cạnh đó, một phần lớn giới trẻ hiện nay có cuộc sống buông thả, thói quen sinh hoạt xấu, sử dụng rượu bia nhiều, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, lười vận động. Đây chính là nguyên nhân gây ra ung thư ở những bệnh nhân khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bác sĩ Mai Văn Sâm - chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật ung thư tuyến giáp (Bệnh viện đa khoa An Việt) cho biết ngay cả ở độ tuổi trưởng thành, người dân cũng nên xây dựng cho bản thân và gia đình việc thăm khám sức khỏe. Đặc biệt cần xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống khoa học, có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người thân có tiền sử mắc ung thư thì cần phải chú ý tầm soát thường xuyên ngay từ khi trẻ tuổi, bởi đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bác sĩ Sâm cũng khuyến cáo người bệnh nếu có chẩn đoán ung thư thì cần đến các cở sở chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và lên phác đồ điều trị cụ thể vì mỗi bệnh nhân ung thư cũng như mỗi loại tế bào ung thư đều có những đặc điểm riêng biệt để đưa ra chiến lược điều trị tối ưu cho từng trường hợp bệnh. Phương thức tiếp cận trong điều trị ung thư ngày nay đã có những bước tiến mới mang lại thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân hơn. 

Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại thì các bác sĩ có nhiều cách để điều trị cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn khởi đầu cho tới khi trị khỏi. Các phương pháp như phẫu thuật, tia xạ, liệu pháp trúng đích đã hình thành nên các phác đồ điều trị thích hợp với từng loại ung thư, từng giai đoạn và tùy theo thể trạng của người bệnh. Khi bệnh nhân bị ung thư ở một giai đoạn cụ thể bác sĩ sẽ cho điều trị hóa chất theo tuần, vì điều trị hóa chất là một trong những phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt và ngăn cản sự phát triển tế bào ung thư. Tùy thuộc vào loại ung thư và phương pháp điều trị mà bác sĩ sẽ quyết định loại và tần suất làm xét nghiệm ở từng bệnh nhân để bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe, quay lại với cuộc sống một cách nhanh chóng nhất.

Bài liên quan
AI giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư thực quản giai đoạn đầu, bệnh nhân có khả năng sống sót cao hơn
Nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các bác sĩ xác định ung thư thực quản giai đoạn đầu. Kết quả là giúp tăng gấp đôi tỷ lệ phát hiện so với đánh giá bằng mắt thường của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ung thư ở người trẻ: Con số đáng báo động