Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ chất lượng tín dụng; nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của các ngân hàng.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá rõ nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của ngân hàng

Lam Thanh | 15/06/2021, 13:46

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ chất lượng tín dụng; nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của các ngân hàng.

Nâng mức tín nhiệm quốc tế lên “tích cực”

Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển biến tích cực.

ubkt.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 57

Nổi bật là: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, là mức thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi; thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “tích cực”…

Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt gần 4 triệu tỉ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 (tăng 5,92%).

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc xin phòng COVID-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng...

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Ông Dũng cũng nhấn mạnh thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân...

Bên cạnh đó, chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp; Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng...

Đẩy nhanh chiến lược vắc xin

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ đã duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp khó khăn…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định Chính phủ đã rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, lỏng lẻo trong công tác quản lý y tế và sau cách ly ở một số nơi cũng như trong quản lý lưu trú của người nước ngoài.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

Đề nghị báo cáo đánh giá rõ hơn về sức cầu trong nước giai đoạn 2020-2021; tác động ảnh hưởng của tình hình tăng giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất; làm rõ tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; nguyên nhân giá thép tăng; chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao. Áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.

Cùng với đó, cần đánh giá tác động của tăng chi ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đánh giá rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài; việc triển khai các hoạt động để thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI. Báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không đáp ứng được điều kiện vay vốn dù mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm.

Theo đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ chất lượng tín dụng; nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của các ngân hàng; đồng thời báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và xu hướng trong thời gian tới. Bổ sung kết quả triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại yếu kém.

Thời gian qua, khối lượng giao dịch quá tải đã dẫn đến việc Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hệ thống, hủy lệnh giao dịch. Nhiều ý kiến cho rằng sự cố này đã ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các nhà đầu tư; làm giảm niềm tin của thị trường; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những rủi ro có thể xảy ra.

Có ý kiến đề nghị phân tích kỹ hơn tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian vừa qua với lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư...

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Cùng với đó, chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu), duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; nghiên cứu, có chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá rõ nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của ngân hàng