Theo báo New York Times ngày 1.4, chính quyền tân Tổng thống Uzbekistan đang nỗ lực kềm cương các đặc vụ của Ủy ban an ninh quốc gia (SNB), khi đơn vị an ninh này bị kết luận là một "lực lượng đáng sợ, quá nguy hiểm".

Uzbekistan kềm cương đặc vụ SNB vì ‘quá nguy hiểm’

02/04/2018, 19:07

Theo báo New York Times ngày 1.4, chính quyền tân Tổng thống Uzbekistan đang nỗ lực kềm cương các đặc vụ của Ủy ban an ninh quốc gia (SNB), khi đơn vị an ninh này bị kết luận là một "lực lượng đáng sợ, quá nguy hiểm".

Binh sĩ Uzbekistan bảo vệ một trụ sở SNB - Ảnh: New York Times

Chính phủ Uzbekistan cũng bắt đầu ngưng việc bắt buộc các bác sĩ, y tá, giáo viên và sinh viên mỗi năm phải ra đồng hái bông khi đến mùa thu hoạch.

Ông Jonas Astrup, cố vấn trưởng của nhánh Uzbekistan trong Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nói lâu nay nhánh của ông đã phàn nàn tình trạng ngược đãi những lao động phi tình nguyện (bị xem như là nô lệ) một cách có hệ thống, nhưng nay đã có sự thay đổi tốt hơn.

Tổng thống không chấp nhận “bọn vô lương tâm mặc cảnh phục”

Trong một động thái nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, Tổng thống Shavkat Mirziyoyev ký một sắc lệnh ngày 14.3, đổi tên SNB thành Cơ quan an ninh quốc gia, và cơ quan này được giao nhiệm vụ “bảo vệ nhân quyền và quyền tự do của công dân Uzbekistan”.

Hồi tháng 2, Tổng thống Mirziyoyev mô tả các thành viên SNB là “những con chó dại cần phải giết chết”. Ông còn nói: “Không nước nào trao quá nhiều quyền cho những kẻ vô lương tâm mặc cảnh phục”, và ông hứa kỷ luật những đặc vụ bị cáo buộc tra tấn người chống đối.

Vài tuần gần đây, hơn chục đặc vụ SNB bị bắt, và cơ quan an ninh chìm này được lệnh rời khỏi trụ sở là một tòa nhà xây như một ngôi đền ở trung tâm thủ đô Tashkent, và dọn đến một khu vực nhỏ hơn ở ngoại ô thành phố này.

Trước đó vào tháng 1.2018, chính phủ Uzbekistan cách chức ông Rustam Inoyatov, người chỉ huy SNB suốt hơn 20 năm. Phó chỉ huy Shukhrat Gulyamov cũng bị mất chức, bị đưa ra tòa và bị tuyên án tù chung thân vì dính líu các tổ chức tội phạm cùng các tội danh khác.

Từ những hành động của chính phủ, nhà hoạt động nhân quyền lão thành Yelena Ulaeava cảm thấy hài lòng với đường lối mới của chính phủ, nên bà bắt đầu vận động đề cử Tổng thống Mirziyoyev xứng đáng lãnh giải Nobel Hòa bình.

Dưới thời Tổng thống Islam Karimov, bà Ulaeava liên tục bị bỏ tù, bị đưa vào nhà thương điên và bị ép uống thuốc trị bệnh tâm thần. Bà nói nay SNB đã thôi bắt nạt bà và gia đình bà, thậm chí để bà tổ chức những cuộc biểu tình phản đối nhỏ bên ngoài nơi làm việc của Tổng thống.

Ông Mirziyoyev đã quyết không dọn vào dinh thự hoành tráng xây cho ông Karimov, người vừa có một bảo tàng tưởng niệm được mở ngay trên lô đất của Dinh Tổng thống bỏ hoang.

Bà Ulaeava còn nói việc ép giới tri thức ra đồng hái bông đã thật sự kết thúc: “Đất nước chúng tôi đã thay đổi 180 độ”.

Bà Ulaeava đề cử Tổng thống Uzbekistan lãnh giải Nobel Hòa bình - Ảnh: New York Times

“Băng bắt đầu tan” ở Uzbekistan, sau cái chết của ông Karimov

Ông Sodiq Safoev, Phó Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan và là trợ lý thân cận của Tổng thống Mirziyoyev, nói: “Băng đang tan ở nước tôi”, và dù có một vài nhóm lợi ích phản đối, sự tan băng sẽ phải tiếp tục, vì chính quyền đã nhất trí ủng hộ cải tổ.

Ông Safoev còn nói: “Rửa sạch hệ thống an ninh quốc gia là một trong những đường lối chính trong tiến trình cải tổ của chúng tôi”.

Nhưng theo Times, để vào văn phòng của ông Safoev, phóng viên phải trải qua 3 tầng kiểm soát của bảo vệ, và phải đi qua các nhóm đặc vụ SNB được trang bị súng tự động tuần tra trụ sở Thượng viện.

Tờ báo nêu để người dân Uzbekistan không còn sợ và nghi ngại, còn tùy thuộc cách chính quyền kềm cương SNB như thế nào.

Ông Karimov làm Tổng thống Uzbekistan (từ năm 1991 đến 2016 thì qua đời) từng không tha thứ cho các phần tử chống đối, nhất là sau vụ nổi loạn ở thành phố Andijan năm 2005. Vụ này kết thúc bằng việc các đặc vụ SNB vũ trang bắn chết hàng trăm người biểu tình không có vũ khí.

Theo cựu đại sứ Anh ở Tashkent, ông Karimov bị ám ảnh vụ nổi loạn này, đến độ ra lệnh cho chính quyền luộc chết vài thành viên đối lập. Ông thậm chí còn ra lệnh bắt người trong gia đình ông.

Xác người nổi loạn ở Andijan năm 2005 - Ảnh: Getty Images

18 tháng sau cái chết của Tổng thống Karimov, chính quyền Uzbekistan vẫn kiểm duyệt internet dù không căng như trước, và nỗi sợ SNB vẫn còn mạnh, thậm chí nếu người nào nói công khai chỉ cái tên của cơ quan an ninh chìm này thôi cũng bị cho là sẽ gặp nguy hiểm.

Dưới thời ông Karimov, SNB có nhiều “chỉ điểm”, giúp SNB bỏ tù nhiều tù chính trị, là những người thường bị tra tấn tàn ác.

Gần đây, tổ chức Giám sát nhân quyền ra báo cáo về Uzbekistan, kết luận dù đã giảm sự đàn áp, việc bắt các nhà báo cùng các hoạt động giám sát - kiểm duyệt - kỷ luật mảng xuất bản của SNB “vẫn còn có một tác động gây rùng mình” về tự do ngôn luận”.

Báo cáo cũng nêu Uzbekistan “đang trên đường giải thể cơ chế độc tài”. Trong năm 2017, ít nhất 27 nhà hoạt động chống đối cấp cao, gồm vài người bị tù gần 20 năm qua đã được trả tự do, và khoảng 18.000 người từng bị SNB thời Tổng thống Karimov buộc tội “bất trung” được xóa tên khỏi một danh sách đen từng khiến họ không thể xuất cảnh hoặc có được việc làm.

Vụ xét xử nhà báo để cảnh cáo Tổng thống kế nhiệm

Một ví dụ hiếm cho thấy chính quyền Uzbekistan đang nỗ lực kềm cương các đặc vụ SNB, là vụ một nhà báo tự do bị buộc tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, và SNB cáo buộc ông là tác giả bí mật của nhiều bài xã luận có thông tin chiều sâu nhưng lại “nhạy cảm chính trị”.

Hồi tháng 9.2017, các đặc vụ SNB bắt nhà báo Bobomurod Abdullaev ngoài đường, giải về trại giam ở thủ đô Tashkent và tra tấn ông trong một xà lim dưới tầng hầm, buộc tội ông “âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến”, theo lời kể của vợ ông và luật sư.

Nhưng đến tháng 3.2018, tại xà lim đó, ông Abdullaev được gặp một luật sư nhân quyền Sergei Mayorov, và ông đã thuật lại chuyện ông bị đánh đập tra tấn thường xuyên, bị nhốt trong tình trạng trần truồng suốt 6 ngày trong xà lim và không cho ngủ. Ông chỉ được cho ăn vào ngày thứ 5 sau khi bị bắt, và việc cho ăn này chỉ xảy ra sau khi ông bị bất tỉnh.

Vị luật sư còn kể với Times: các đặc vụ cảnh cáo ông Abdullaev rằng nếu không nhận tội, vợ và con gái ông sẽ bị cưỡng hiếp.

Hiện nhà báo Abdullaev cùng những người chỉ trích chính phủ vẫn bị giam. Nhưng việc ông được gặp luật sư là một điều hiếm có, vì trước đây SNB không cho thực hiện các cuộc gặp này. Và mới đây, 2 đặc vụ SNB phụ trách điều tra ông Abdullaev đã bị “tạm ngưng công tác”, và chính họ bị điều tra sai phạm.

Vợ ông Abdullaev, bà Katya Balkhibaeva chỉ được phép gặp chồng hơn một tuần sau khi ông bị bắt. Bà tâm sự rằng không thể hiểu sau bao diễn văn chính thức về sự cần thiết phải thay đổi, vợ chồng bà cùng 3 đứa con nhỏ bị đẩy vào một cơn ác mộng.

Nhà hoạt động nhân quyền Surat Ikramov nói trường hợp ông Abdullaev là “một cuộc đấu tranh lớn”, và ông khen ngợi Tổng thống Mirziyoyev nhậm chức ngay sau cái chết của tiền nhiệm Karimov đã cố gắng phá bỏ sự đàn áp, nhưng ông cũng nói hệ thống này do ông Karimov dựng nên đã bén rễ quá sâu.

Tổng thống Shavkat Mirziyoyev được bảo vệ dày đặc - Ảnh: TASS

Ông Ikramov tin tưởng vụ điều tra nhà báo Abdullaev nhằm để một thế lực thể hiện với tân Tổng thống Mirziyoyev rằng “Ngài có kẻ thù ở khắp nơi”, và tổng thống chớ nên liều lĩnh hủy bỏ hệ thống đàn áp của tiền nhiệm. Ông nói: “Có một nhà nước bên trong một nhà nước thời Karimov, và rõ ràng họ không muốn có sự cải tổ”.

Phó Chủ tịch Thượng viện Safoev thừa nhận có sự “ngược đãi” sau vụ bắt nhà báo Abdullaev, nhưng những cung cách đó hiện đã được chỉnh đốn: “Nhà báo đó sẽ được xét xử tự do và công bằng”. Ông cũng nói đã có luật mới về SNB cùng các biện pháp để kết thúc sự tồn tại của “một nhà nước bên trong một nhà nước mà không hề có sự giám sát nào”.

Theo Times, trong ngày đầu xét xử nhà báo Abdullaev hôm 7.3, thẩm phán yêu cầu bị cáo cởi áo sơ-mi để xem dấu vết của sự tra tấn, nhưng rồi thẩm phán chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa: tạm ngưng khâu này cho đến khi nhóm bác sĩ có thể khám sức khỏe đầy đủ cho bị cáo.

Tiếp đó, nhóm bác sĩ không kết luận nhà báo Abdullaev đã bị tra tấn. Nhưng hồi cuối tháng 3, ở phiên xử thứ hai, bị cáo được phép làm chứng, trước sự chứng kiến của đại diện tổ chức Giám sát nhân quyền, và của giới truyền thông nước ngoài vốn từng bị chế độ Karimov cấm nhập cảnh vào Uzbekistan.

Theo Times, từ nhiều năm qua, những phán quyết của tòa án Uzbekistan đều dựa theo kết luận điều tra của SNB. Vì thế, các nhà hoạt động nhân quyền nói: việc thẩm phán sẵn sàng xử lý vấn đề tra tấn tại một phiên tòa mở cửa đón các nhà quan sát, chính là dấu hiệu rõ ràng của việc chính quyền Uzbekistan muốn thay đổi.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Uzbekistan kềm cương đặc vụ SNB vì ‘quá nguy hiểm’