Theo phân tích của Reuters ngày 27.3, việc Mỹ trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga xem ra là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ - Nga, nhưng từ nhiều tháng qua, Mỹ đã “xây từng viên gạch cứng rắn” chống Nga.

Mỹ đã ‘xây từng viên gạch cứng rắn’ chống Nga

27/03/2018, 20:01

Theo phân tích của Reuters ngày 27.3, việc Mỹ trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga xem ra là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ - Nga, nhưng từ nhiều tháng qua, Mỹ đã “xây từng viên gạch cứng rắn” chống Nga.

Cảnh sát Pháp bên ngoài Sứ quán Nga ở Paris, khi Pháp quyết định trục xuất nhân viên ngoại giao Nga - Ảnh: AP

Theo hãng tin Anh, trong lúc nỗ lực hòa hoãn với Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump thống trị các luồng tin nóng, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ,Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trong năm 2017 đã có những quyết định kín tiếng để đối đầu với Nga trên toàn thế giới, từ Afghanistan đến CHDCND Triều Tiên và Syria.

"Từng viên gạch" cứng rắn chống Nga

Đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố kế hoạch cung cấp tên lửa chống tăng Mũi Lao cho Ukraine chống quân ly khai thân Nga ở miền đông nước này. Chính phủ Tổng thống Barack Obama không làm thế vì ngại khiêu khích Moscow.

Hồi tháng 2 tại Syria, quân đội Mỹ tiêu diệt 300 tay súng thuộc đạo quân đánh thuê Wagner (Nga) sau khi họ tấn công quân đặc nhiệm Mỹ và lực lượng có Mỹ chống lưng. Trong khi đó, Nhà Trắng đổ tội Nga không kích giết chết hàng ngàn dân thuờng ở khu ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus.

Các tài liệu chính sách hàng đầu của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc-công bố hồi đầu năm 2018 -đều mô tả Nga là kẻ thù, một trung tâm cho kế hoạch an ninh quốc gia của Mỹ.

Ngày 26.3 thì Mỹ tuyên bố sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga. 14 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ trục xuất nhân viên ngoại giao Nga ở nước họ trong ngày 26.3, cùng với lý do Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok hôm 4.3 ở thành phố Salisbury (Anh).

Người phát ngôn Sứ quán Mỹ Maria Olson nói với báo Moscow Times: Sứ quán đã cảnh báo có thể sẽ phản ứng với “sự trả thù của Nga”, và Mỹ thực hiện cuộc trục xuất vì Nga tấn công đồng minh Anh thân cận của Mỹ, và Nga đang trên đà thực hiện những hoạt động gây bất ổn ở Mỹ và các nước khác: “Chúng tôi có quyền phản ứng trước bất kỳ sự trả thù nào của Nga”.

Nga đã cực lực bác bỏ sự dính líu vụ đầu độc này. Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, tuyên bố Nga sẽ trục xuất ít nhất 60 nhân viên đoàn ngoại giao Mỹ ở Nga để trả đũa. Ông nói: “Lãnh đạo chính trị sẽ ra quyết định, nhưng rõ ràng biện pháp này sẽ phản ánh hành động của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov báo trước quan hệ Mỹ - Nga sẽ càng xuống cấp, trong khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga, ông Yury Shvytkin nói Mỹ theo đuổi chính sách phá vỡ quan hệ ngoại giao ở cấp độ lớn, và sự đối đầu này - từ một lệnh đơn phương của Mỹ và Anh - không có lợi cho toàn thế giới.

Ông Alexei Chepa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ Hạ viện Nga, nói: “Đó là sự thông đồng của phương Tây, vì họ thất vọng trước việc dân Nga tiếp tục tín nhiệm Tổng thống Vladimir Putin.

Năm 2017, Nga đã trục xuất hơn 400 nhân viên ngoại giao Mỹ, tiếp sau việc ông Trump quyết định tăng cường trừng phạt Nga, với lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Quan hệ Mỹ - Nga sẽ càng xuống cấp trầm trọng

Vẫn theo Reuters, chưa thể rõ với tuyên bố trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga, ông Trump đang cổ động quan điểm cứng rắn chống Nga do các cố vấn và các tướng Mỹ xây dựng nên.

Giới chỉ trích ông Trump đã cố gắng “vẽ” ông là một diễn viên miễn cưỡng trong bất kỳ giải pháp cứng rắn nào đối với Nga, dù một quan chức cấp cao mô tả ông Trump “ngay từ đầu” đã tham gia kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Nhưng các hành động của chính phủ Mỹ đã chống lại nhận định chung rằng những tuyên bố của ông Trump đã “mềm hóa” quan điểm Mỹ đối với ông Putin.

Các chuyên gia đã cảnh báo những thông điệp mâu thuẫn của vị tỉ phú chủ nhân Nhà Trắng có thể gây hại cho chiến lược Mỹ trong việc ngăn chặn hành vi của Moscow. Ngày 20.3, ông Trump đã gọi điện chúc mừng ông Putin tái trúng cử Tổng thống Nga, khiến nhiều đảng viên Cộng hòa kịch liệt chỉ trích ông. Nhưng hai ngày sau, ông Trump lại cử “diều hâu chống Nga” John Bolton làm tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng.

Dù vụ đầu độc cựu điệp viên Nga là lý do chính thức để Mỹ trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, các quan chức chính phủ Mỹ đều cảnh báo chớ nên xem vụ này đơn lẻ, và dẫn chứng nhiều hành động gây bất ổn của Nga:

Tuần trước, Tướng John Nicholson chỉ huy quân NATO ở Afghanistan nói Nga chống lưng và thậm chí cung cấp vũ khí cho quân khủng bố Taliban, để phá nỗ lực Mỹ gìn giữ hòa bình cho Afghanistan, dù Mỹ - Nga đều chung mục tiêu chống khủng bố và buôn lậu ma túy. Ông còn nói: “Chúng tôi có các loại vũ khí do những lãnh đạo Afghanistan đem đến và nói chúng là do người Nga cấp cho bọn Taliban”.

Sứ quán Nga ở Kabul tuyên bố bình luận này là “phát tin giật gân vì quá rảnh”, đồng thời nhấn mạnh tuyên bố của tướng Nicholson hoàn toàn thất thiệt, và kêu gọi các quan chức không nên nói những điều vô nghĩa.

Hồi đầu tháng 1, chính ông Trump nói với Reuters: Nga giúp Triều Tiên lách lệnh cấm vận của LHQ. Và chưa đầy 2 tuần trước, chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên, với lý do Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và tấn công mạng, dù lệnh cấm vận này chỉ trừng phạt các đại gia kinh tế thân cận Tổng thống Putin.

Các quan chức Mỹ và các chuyên gia nhận định quan hệ Mỹ - Nga sẽ càng xuống cấp, ít nhất trong tương lai gần. Họ cảnh báo các động thái tiếp theo của Nga có thể mở rộng qua khỏi sự trả đũa các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Matthew Rojansky, một chuyên gia về Nga ở tổ chức nghiên cứu Wilson Center (ở Washington) nói: “Nguy cơ gia tăng thù địch không đến chỉ từ những trừng phạt lẫn nhau”, và nêu khả năng Nga sẽ tăng cường hành động ở Trung Đông và tấn công mạng.

Các quan chức Mỹ đều nói chính phủ Mỹ vẫn đang tìm cách tránh sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Mỹ - Nga. Một quan chức nói sự hợp tác của Nga vẫn cần thiết, để giúp Mỹ giải quyết những vấn nạn ngoại giao phức tạp như Triều Tiên và Iran.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đã ‘xây từng viên gạch cứng rắn’ chống Nga