Những thách thức do dịch COVID-19 “bủa vây” cũng là chất “xúc tác” thúc đẩy Hậu Giang nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Những thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để Hậu Giang tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Điểm đáng ghi nhận là tỉnh đã sớm quan tâm thực hiện chuyển đổi số, coi đây một trong những giải pháp để sẵn sàng “sống chung với dịch” và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Cơ sở pháp lý là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành các nghị quyết, đề án, quyết định, kế hoạch mang tính chất nền tảng cho việc xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2.12.2020 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 4.12.2020 thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030…
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết: “Các nội dung về Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số đã được đưa đầy đủ, toàn diện trong các nội dung của văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số được xác định là một trong ba giải pháp đột phá của tỉnh trong Nghị quyết Đại hội, tại nhiệm vụ đột phá thứ ba nêu rõ “thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.
Có thể nói, Hậu Giang đã xây dựng, ban hành sớm và đầy đủ các chủ trương, chính sách làm cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Chuyển đổi số đồng bộ là hướng phát triển
Tác động của dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là “sức ép” buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Việc đổi mới cách thức quản trị, xây dựng các cơ sở dữ liệu, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Sau 10 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tỉnh Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các ứng dụng, nền tảng dùng chung của tỉnh đã bước đầu có những kết quả khả quan, tạo thói quen mới, chuyển biến tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hậu Giang đã nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, mở rộng hệ thống họp trực tuyến của tỉnh đến cấp xã và hiện nay việc họp trực tuyến đã trở thành thói quen không thể thiếu trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Toàn bộ văn bản giữa các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã được trao đổi trên môi trường mạng thông qua hệ thống quản lý văn bản với gần 6.000 người tham gia tại 458 đơn vị. Hàng tháng, có hàng trăm nghìn văn bản có ký số được lưu chuyển trên hệ thống quản lý văn bản của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đảm bảo hiệu quả công việc trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19.
Cùng với đó, hoạt động phản ánh hiện trường, trao đổi giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân ngày càng trở nên hiệu quả. Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) được triển khai từ tháng 6.2020, đến nay đã có số lượng lớn sử dụng với hơn 33.000 lượt tải về. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Hậu Giang đã tiếp nhận, phối hợp xử lý hơn 2.400 phản ánh hiện trường của người dân. Cổng thông tin điện tử của tỉnh có gần 9.000 lượt truy cập mỗi ngày, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin hoạt động của các sở, ban, ngành...
Đến cuối năm 2021, Hậu Giang có 1.260 dịch vụ công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, phấn đấu tỷ lệ nộp và xử lý hồ sơ trực tuyến đạt 50%.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, thành lập từ tháng 10.2020, tiếp nhận hơn 2.400 phản ánh hiện trường
Biến khó khăn thành động lực chuyển mình
Dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh kế của con người. Nhưng ngược lại đó cũng chính là chất “xúc tác” để các chủ thể của nền kinh tế buộc phải đẩy nhanh tiến trình cải cách, đổi mới hoạt động để thích ứng.
Để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh Hậu Giang sẽ huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng đến chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và với các cơ quan trung ương, phát triển kỹ năng số cho người dân, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"