VAFI nhấn mạnh họ không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường để khuyến nghị ban hành chính sách.

VAFI: Chúng tôi không phải học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ

Lam Thanh | 24/06/2021, 15:24

VAFI nhấn mạnh họ không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường để khuyến nghị ban hành chính sách.

Những ý kiến phản đối là do không đọc toàn bộ văn bản

Sau khi có văn bản đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính hạ dần lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm, ngày 23.6, Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) tiếp tục lên tiếng khẳng định có cơ sở để đưa ra đề xuất.

vafi.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI ký văn bản khẳng định việc hạ lãi suất về 0% hoàn toàn khả thi

Cụ thể, VAFI cho biết gần 11 năm trước, hiệp hội từng đề xuất giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm, sau đó đã được Ngân hàng nhà nước áp dụng thành công.

Cụ thể, ngày 4.11.2010, VAFI có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đề xuất quy định mức trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ không quá 1/%/năm và hướng tới lãi suất 0%/năm nhằm giải quyết các mục tiêu cấp bách và lâu dài như ổn định tỉ giá, giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, tạo cơ sở để tăng giá VND và hạ dần mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất cao.

Văn bản này ra đời trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang còn chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thâm hụt thương mại rất lớn "lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm" (theo VAFI). Lãi suất huy động VND ở mức 14%/năm, lãi suất tiền gửi USD ở mức 5-6%/năm. Lạm phát cao, hệ thống các ngân hàng thương mại bị tổn thương nặng bởi khủng hoảng kinh tế, nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng kinh doanh thua lỗ.

Lúc đó, phong trào đầu cơ găm giữ ngoại tệ xuất hiện. Hệ thống ngân hàng thương mại đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, gặp khó khăn trong việc giúp doanh nghiệp thanh toán nhập khẩu, dự trữ ngoại hối tại NHNN cạn kiệt và không đủ sức bình ổn thị trường.

Để có ngoại tệ phục vụ nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp phải làm việc bất hợp pháp không mong muốn là mua ngoại tệ ở thị trường chợ đen đem về ngân hàng thanh toán nhập khẩu…

VAFI cho rằng trước và sau khi đề xuất được ban hành, rất nhiều ý kiến phản đối từ "các học giả, chuyên gia kinh tế nổi tiếng và một số nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng nhà nước’’ nhưng thực tế đã cho thấy đề xuất của VAFI là đúng đắn.

Do đó, giờ đây VAFI tiếp tục khuyến nghị cần tạo lập hệ thống giải pháp để dần dần đưa lãi suất tiền gửi bằng VND về mức 0%/năm.

"VAFI tin tưởng rằng giải pháp này cũng sẽ thành công vang dội, tạo bước ngoặt để đưa kinh tế Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới ở thời kỳ đầu của 1 quốc gia phát triển" - Hiệp hội này nhấn mạnh trong văn bản mới nhất.

Trước đó, vào ngày 22.6, VAFI có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đề xuất hệ thống giải pháp để đưa dần lãi suất VND về 0%/năm. Đề xuất có vẻ "sốc" này bị dư luận phản ứng mạnh, ngay cả giới chuyên gia, học giả cũng lên tiếng phản biện rằng VAFI ảo tưởng, đưa đề xuất nguy hiểm cho thị trường tiền tệ và nền kinh tế.

Những ý kiến phản biện chủ yếu xoay quanh một số nội dung như: Không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay; hạ mạnh lãi suất thì hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, kỹ thuật số, ngoại tệ… và như vậy làm mất ổn định thị trường tiền tệ; lãi suất về 0%/năm có thể đẩy người dân lao vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy nguy hiểm và rủi ro. Ngoài ra, hạ mạnh lãi suất có thể gây lạm phát tăng cao…

Đại diện VAFI cho rằng tất cả những ý kiến phản biện này đều có điểm chung duy nhất là "không đọc toàn bộ văn bản của VAFI".

Phải khóa kênh đầu cơ

Hiệp hội này nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn làm được điều đó phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành Luật thuế tài sản để "khóa" kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết .

Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như VAFI đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa.

Để thực hiện chiến lược ngân hàng thương mại huy động vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn thì phải có ưu đãi và sự bảo đảm để người dân đầu tư vào thị trường trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành với lãi suất mục tiêu 2%/năm trong khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 0%/năm. Khoản đầu tư trái phiếu này phải an toàn như tiền gửi tiết kiệm.

"Tinh thần văn bản của chúng tôi như vậy chứ không phải khuyến nghị dân chúng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà không có bảo đảm tuyệt đối của Nhà nước", VAFI lưu ý.

Tổ chức này còn cho hay, văn bản trên của hiệp hội còn bao hàm mục tiêu kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải có nỗ lực hội nhập. "Tại sao các nước trong khu vực làm được mà mình không làm được? Mình còn thiếu điều kiện gì và cần ban hành giải pháp gì để đạt được mục tiêu", theo VAFI.

VAFI khẳng định, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu và hiệp hội này tin tưởng rằng sẽ "thành công vang dội".

Theo đó, chỉ cần Chính phủ ban hành các sắc thuế chống đầu cơ nhà đất nhằm kiểm soát dòng tiền đi vào kênh này thì lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại đã dư thừa rất lớn, tới thời điểm đó không cần can thiệp của NHNN thì lãi suất huy động đã giảm mạnh rồi.

VAFI cũng nhấn mạnh họ không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường tài chính, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để khuyến nghị ban hành chính sách.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất này thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Ông Hiển cho rằng có sự nhầm lẫn giữa lãi suất của Ngân hàng trung ương (NHTƯ) và lãi suất tiền gửi cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại (NHTM). Đề xuất ấy thiếu tính khoa học, vì các NHTM là doanh nghiệp kinh doanh vốn trên thị trường vốn, họ mua vốn của người dư tiền (huy động) để bán vốn cho người thiếu tiền (vay).

Chuyên gia Hiển cũng cho rằng đề xuất thiếu thực tiễn vì chưa có nước nào mà các NHTM huy động tiền với lãi suất 0%.

Hơn nữa, đề xuất có tính lập lờ, từ quan sát góc độ này đưa ra giải pháp góc độ khác. Ví dụ VAFI nói lãi suất huy động của NHTM Việt Nam cao hơn các nước; vậy cụ thể các nước khu vực thì lãi suất bình quân huy động là bao nhiêu? Nếu các nước là 0% thì mới đề xuất bên mình xuống 0%, còn giả sử họ là 3% thì chỉ có thể đề xuất lãi suất nước mình xuống 3% cho bằng họ.

Theo ông Hiển, nếu một nhà nước quyết tâm lệnh các NHTM chỉ huy động lãi suất đồng tiền nước mình xuống 0% thì sẽ làm được, nhưng lúc đó nhà nước đã thực thi chính sách kinh tế phi thị trường một cách cực đoan, đó là chính sách siêu kế hoạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VAFI: Chúng tôi không phải học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ