Con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, ông Nguyễn Nghiêm Bằng cũng chia sẻ: "Những ngày cuối đời, ông cụ nhà tôi lúc nào cũng đau đáu nghĩ về miền Nam. Bởi tình cảm quá lớn mà khán giả nơi đây dành cho ông". 

Văn Cao: Những hình ảnh và câu chuyện lần đầu tiên công bố

Một Thế Giới | 01/07/2015, 14:06

Con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, ông Nguyễn Nghiêm Bằng cũng chia sẻ: "Những ngày cuối đời, ông cụ nhà tôi lúc nào cũng đau đáu nghĩ về miền Nam. Bởi tình cảm quá lớn mà khán giả nơi đây dành cho ông". 

Hai mươi năm sau ngày mất của cố Nhạc sĩ Văn Cao, có rất nhiều đêm nhạc vinh danh ông, kỷ niệm cũng như tưởng nhớ ông, bởi ngoài là một nhạc sĩ tài hoa vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam, ông còn được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn coi như "ông hoàng của nền âm nhạc": "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...”.
Hàng trăm ngàn ca khúc mãi mãi đi vào trái tim trở thành hành trang giúp trưởng thành của biết bao thế hệ trẻ, từ những nhạc phẩm đậm nét thơ cho tới những ca khúc hùng ca mạnh mẽ ấn tượng hiệu triệu tự hào dân tộc được vang lên trong thời khắc vĩ đại của lịch sử dân tộc. 
Nhưng tới đây vào ngày 11.7, ngày kỷ niệm 20 năm ngày mất cố NS Văn Cao (10.7.1995), lần đầu tiên những khán giả mộ điệu âm nhạc Văn Cao sẽ được xem những hình ảnh, những câu chuyện, những tư liệu chưa bao giờ hé lộ từ trước đến nay. Đây cũng chính là lời hứa, lời khẳng định của đạo diễn Đinh Anh Dũng - một người thân thiết với gia đình cố nhạc sĩ suốt 38 năm qua. 
Van Cao nhung hinh anh va cau chuyen lan dau tien cong bo-hinh-anh-1
 Con trai thứ 2 của cố nhạc sĩ Văn Cao, ông Nguyễn Nghiêm Bằng. 
"Tôi có duyên với nhạc sĩ Văn Cao khi đến nhà ông. 38 năm trước tôi ra Hà Nội theo học luật và có đến nhà cụ thăm hỏi. Năm 1992, tức 22 năm trước, khi vừa ra trường tôi chọn âm nhạc Văn Cao để làm tài liệu, khi đó tôi có làm đêm nhạc Văn Cao, giấc mơ và đời người . Khi cụ mất, tôi lại tiếp tục được vinh dự làm chương trình Văn Cao, một buổi sáng có trong sự thật . Nhiều năm sau tôi rất muốn làm điều gì đó về ngày mất của bác. Năm ngoái cá nhân tôi đã muốn làm bộ phim tài liệu. Chính vì thế, khi làm đạo diễn chương trình Sol Vàng, tôi đã lên kịch bản và qua đây sẽ đạt được một hiệu quả nhất định. Với cá nhân Đinh Anh Dũng, đây như một nén hương thắp lên tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ", Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết. 
Biết được sẽ có một đêm nhạc dành cho ông cụ thân sinh của mình, con trai thứ 2 của Nhạc sĩ Văn Cao (NS Văn Cao), ông Nguyễn Nghiêm Bằng (nguyên là kỹ sư ngành xây dựng nhưng do nhiễm máu nghệ sĩ của cha, ông hiện cũng đang là nhà văn - nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) đã thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn chân thành đến tình cảm cũng như sự quan tâm mà công chúng cũng như Đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM, nhạc sĩ Nguyễn Quang, đạo diễn Đinh Anh Dũng và chương trình Sol Vàng đã dành hướng về cố NS Văn Cao. 
"Gia đình chúng tôi có duyên vào miền Nam, cụ thể là TP.HCM, nhiều lần cụ ông cụ bà nhà tôi được mời vào. Tình cảm mà người dân nơi đây dành cho ông bà rất lớn, báo chí luôn ưu ái, tấm chân tình đó, ông cụ nhà tôi rất trân trọng. Những ngày cuối đời, ông cụ nhà tôi lúc nào cũng đau đáu nghĩ về miền Nam. 20 năm cụ mất, gia đình chúng tôi cảm ơn tấm lòng miền Nam luôn tràn đầy ấm áp dành cho NS Văn Cao", con trai thứ của cố NS Văn Cao thay mặt gia đình gửi lời chân thành tới khán giả. 
Ông cho biết thêm: "Những năm tuổi trẻ cụ ông cụ bà tôi vất vả đi từ Hải Phòng, Quảng Ninh rồi tới miền Nam để kiếm kế sinh nhai nuôi các con ăn học. Nhưng từ khi cụ ông nhà tôi mất đi, nhiều lần cụ bà được mời vào TP.HCM, nhưng đến nay sức khỏe không cho phép. Chính vì thế, tới đây trong đêm nhạc Văn Cao, 20 năm cõi thiên thai gia đình chúng tôi rất vinh dự cố gắng sắp xếp để vào tham gia với khán giả TP.HCM". 
Van Cao nhung hinh anh va cau chuyen lan dau tien cong bo-hinh-anh-2
Đạo diễn Đinh Anh Dũng công bố những tư liệu chưa bao giờ hé lộ của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Tiếp lời ông Nguyễn Nghiêm Bằng, đạo diễn Đinh Anh Dũng tiết lộ: "Bác Băng (vợ của cố NS Văn Cao) từ xưa tới nay lúc nào cũng ở bên cạnh NS Văn Cao. Thủa ông còn sống, đi đâu bác cũng đi theo, lo lắng từ miếng ăn cho tới giấc ngủ, đặc biệt là biết sở thích của NS Văn Cao là chỉ uống rượu. 
Vì tôi vốn là một đạo diễn truyền hình, nên tất cả những điều đó tôi đều lưu giữ lại bằng tư liệu hình ảnh. Tôi biết, lưu không phải cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người bởi sau này một ngày cụ ra đi nó sẽ trở thành điều quý giá mà tôi muốn gửi tới cho tất cả thế hệ sau. Các tư liệu về bác Văn Cao tôi dám đảm bảo đủ nhiều để có thể nói lên hết những gì về bác và những tư liệu về bác Văn Cao tôi là người có nhiều nhất Việt Nam. Bởi tôi gần và yêu quý bác", đạo diễn Đinh Anh Dũng khẳng định. 
Đêm nhạc Văn Cao chủ đề 20 năm cõi thiên thai gồm 2 phần: Giấc mơ mùa thu và Thiên thai, phần kết chương trình là ca khúc Thiên thai như một lời tri ân với người nhạc sĩ tài hoa đã về với cõi thiên thai của riêng mình.
Tuy nhiên, khác với những suy đoán ban đầu âm nhạc Văn Cao sẽ có giọng hát gắn liền với những tác phẩm của ông, nữ ca sĩ Ánh Tuyết, nhưng do những lý do bận và trùng với lịch diễn khác nên chị đã không thể có mặt trong đêm nhạc. Thay vào đó là ca sĩ Họa Mi, Cẩm Vân, nhóm Năm Dòng Kẻ, NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Anh Bằng, ca sĩ Phạm Thu Hà,... 
"Có lẽ sẽ rất nhiều người thắc mắc khi đêm nhạc Văn Cao lại không có ca sĩ này hay ca sĩ kia. Vì nhiều lý do khách quan nên chúng tôi đã cố liên lạc nhưng lịch diễn không khớp. Ban đầu BTC muốn đêm nhạc được dời sang một ngày khác, nhưng đêm diễn ra chương trình 11.7.2015, cũng trùng với kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố NS Văn Cao. Chính vì vậy, chúng tôi không thể dời lịch sang một ngày khác, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ chọn lựa những gương mặt khác để thể hiện", nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Giám đốc âm nhạc liveshow Văn Cao, 20 năm cõi thiên thai cho biết. 
Nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 - 10.7.1995), một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc Việt Nam, ca khúc đầu tiên của Văn Cao mang tên Buồn tàn thu, được sáng tác năm ông 16 tuổi. Ca khúc cuối cùng là Mùa xuân đầu tiên khép lại sự nghiệp sáng tác âm nhạc lẫy lừng của ông trên cả hai mảng tình ca và hùng ca. Trong những sáng tác đầu tiên, nhạc của Văn Cao đậm chất lãng mạn của con người phương Đông với: Suối mơ, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi. 
Nét thơ mộng trong ca từ hòa quyện với giai điệu du dương, bay bổng giúp cho âm nhạc của Văn Cao trở nên sang trọng khó ai bì kịp. Ca khúc Thiên Thai từng được sử dụng làm nhạc cho bộ phim nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng
Với mảng hùng ca, Văn Cao được tôn vinh là “cha đẻ” của hùng ca và trường ca của Việt Nam. Ngoài bài hát nổi tiếng Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa này còn có một số sáng tác trường tồn theo năm tháng như: Ngày mùa, Tiến về Hà Nội, Trường ca sông Lô, Thăng Long hành khúc ca, Làng tôi, Ca ngợi Hồ chủ tịch… Những ca khúc này đã trở thành những bài hát đỉnh cao của nhạc kháng chiến. 
Diệu Linh - Ảnh: Nguyễn Trương 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn Cao: Những hình ảnh và câu chuyện lần đầu tiên công bố