Các chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Trong bối cảnh hiện tại các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến.

Vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối – bán lẻ

Hoài Lam | 06/03/2023, 15:30

Các chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Trong bối cảnh hiện tại các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến.

Vì sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu?

Tại Tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6.3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị các cơ quan làm chính sách quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ; cho doanh nghiệp được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính...

Về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu câu hỏi rằng, tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... và có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học?

“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí khiến giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế. Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000đ/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.

dong.jpg
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Về vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, theo Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay - nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu thì có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cung cấp đổi tên bán lẻ xăng dầu, cơ quan Nhà nước đôi lúc "máy móc" cho rằng như vậy là "vi phạm".

“Theo tôi, hướng xử lý, những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại. Ông muốn tự lấy từ nhiều quyền thì chúng ta sẽ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu độc lập. Ông phải tự chịu trách nhiệm giá cả, biển hiệu và chất lượng”, ông Đông nói.

Theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95.

Không có thị trường xăng dầu vì can thiệp rất nhiều

Một vấn đề khác, theo ông Ánh là “chúng ta chưa đặt ra việc có muốn xây dựng một thị trường xăng dầu hay không? Có thực sự muốn hay không? Hay như hiện tại là được rồi, sửa một ít thôi”.

“Hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường. Vấn đề hiện nay là giá. Chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Tiếp đến, vấn đề tôi quan tâm là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống. Tôi cho rằng chỉ nên có hai bộ phận: một là đầu mối, còn lại là phân phối. Nhìn nhận lại vai trò của từng bộ phận, chúng ta sẽ tư duy khác”, ông Ánh chia sẻ.

anh.jpg
TS Vũ Đình Ánh phát biểu tại tọa đàm

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, khi quy định về chiết khấu, vô hình chung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối. Dù luật gọi là quan hệ dân sự, có thể tiếp cận nhiều đầu mối, nhưng thủ tục pháp lý phức tạp, nên thực chất vẫn là đại lý độc quyền.

“Tôi cho rằng phải đảm bảo tính độc lập của bên phân phối, không nên bàn về chiết khấu nữa, thay vào đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường”, ông Ánh nêu và cho rằng cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với bên phân phối.

Ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, doanh nghiệp thua lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường. “Chúng ta không có thị trường xăng dầu vì chúng ta can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh. Điều này mang tính độc quyền nhóm - chưa phù hợp với luật cạnh tranh”, ông Ánh chia sẻ.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả, mà nghiễm nhiên lấy mức trần.

“Quy định công khai rõ ràng về công thức xác định giá, tuy nhiên quy định vẫn đứng về phía doanh nghiệp đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối. Giá phải căn cứ vào tính chất hàng hóa - đó là xăng dầu. Phải tạo được tính độc lập cho bên phân phối, giảm sự phụ thuộc vào đầu mối”, ông Ánh nói.

xang-dau(1).png
Nhiều quan điểm trái chiều trong vấn đề điều hành thị trường xăng dầu

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa”.

Theo ông Cung, cần phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.

“Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại, các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến”, ông Cung nói.

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẽ là cửa ngõ kết nối các doanh nghiệp Peru với thị trường ASEAN
Trưa 14.11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru. Đây đều là doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối – bán lẻ