Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang cố gắng trình dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Do đó việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng rất quan trọng.

Vân Đồn xin cơ chế Trưởng đặc khu và không tổ chức Hội đồng nhân dân

Trí Lâm | 28/08/2017, 12:38

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang cố gắng trình dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Do đó việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng rất quan trọng.

Đối với đặc khu hành chính kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chính sách ưu đãi thuế (9 chính sách ưu đãi theo đề xuất của Quảng Ninh) không còn nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm vai trò động lực của khu vực này nên phải rà soát lại chính sách thuế tại đặc khu Vân Đồn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án Đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu thì Đề án cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi, bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư này.

Thị sát các khu vực của đảo Vân Đồn và vị trí triển khai các dự án, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt thuận lợi của Vân Đồn và vai trò của khu vực này đối với sự phát triển của miền Bắc. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc.

Theo đó, Vân Đồn cũng có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu, lại nằm trong cụm cảng quốc tế Hải Phòng-Quảng Ninh-Phòng Thành (Trung Quốc). Tuy là huyện đảo biệt lập nhưng Vân Đồn có khả năng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 18), với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư chiến lược phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, khai thác tối đa các giá trị kinh tế của Vân Đồn; học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế của các nước trên thế giới trong việc quản lý thông thoáng, cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh tế, du lịch, văn hoá có chất lượng cao, đa dạng để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý của đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cũng thu hút được 36.000 tỉ đồng vốn đầu tư hạ tầng cho đặc khu này, nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000-7.000 tỉ đồng.

“Khi làm Đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi tự tin nhưng thời gian chạy đà tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ và nếu phải chờ lâu hơn thì niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Nên chúng tôi mong các bộ, ngành và Quốc hội sớm thông qua Đề án cho Quảng Ninh”, ông Thành bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Thành cũng đề nghị không nên quy định “cứng” cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm tại khu vực Vân Đồn mà giao Trưởng Đặc khu tự quyết thời hạn thuê đất. “Nếu không trao quyền cho Trưởng Đặc khu thì vẫn như anh Chủ tịch huyện thôi”, ông Thành nói.

Cảng hàng không Vân Đồn và Khu dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn là những dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai khẩn trương tại Khu kinh tế Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh giao cho Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Theo Dự thảo Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, Vân Đồn xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực (du lịch- dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển:

Giai đoạn 1 (2018-2022): Du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp.

Giai đoạn 2 (2023- 2026): Công viên chuyên đề; ngư nghiệp, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; giáo dục và đào tạo; dịch vụ tài chính; y tế, chăm sóc sức khoẻ,...

Giai đoạn 3 (2027- 2030): Công nghệ sinh học, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Dự thảo Đề án cũng đề xuất 75 chính sách đặc thù phân thành 12 nhóm: Ưu đãi thuế (9 chính sách); đất đai và bất động sản (10); tài chính, ngân sách (07); tiền tệ, ngân hàng (06); đầu tư kinh doanh (07); quản lý và phát triển nguồn nhân lực (08); xuất nhập cảnh và quản lý cư trú (07); xuất khẩu hàng hoá (05); đối với nhàđầu tư chiến lược (06); công nghệ cao (05); du lịch (03); chính sách khác (02).

Mô hình tổ chức chính quyền theo mô hình Trưởng Đặc khu, không tổ chức Hội đồng nhân dân.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vân Đồn xin cơ chế Trưởng đặc khu và không tổ chức Hội đồng nhân dân