Những tưởng ba nước Hàn, Trung, Nhật đón Tết chẳng khác gì Việt Nam, ấy thế nhưng có những câu chuyện thú vị xoay quanh văn hóa lì xì mà chỉ ở đó bạn mới hiểu. Hãy cùng khám phá 3 sự khác biệt lớn nhất đó là gì ngay nhé!
Hàn Quốc - Trước khi nhận lì xì, trẻ em cần thực hiện nghi lễ Sebae
Khác vớiViệt Nam ngoài phong tục nhận lì xì và không quên nói lời cảm ơn người cho, các bạn nhỏ Hàn Quốc còn thêm nghi lễ cúi lạy bậc tiền bối trước khi nhận tiền mừng. Đó còn gọi là lễ Sebae, tức cúi lạy ông bà, bố mẹ để thể hiện lòng kính trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục.
Với những người ngoại quốc lần đầu đặt chân đến xứ sở Kim Chi, hẳn sẽ ngạc nhiên. Như cách mà Linsay, một cô bạn người Mỹ đã dành kỳ nghỉ của mình đón năm mới Âm lịch tại Hàn Quốc, đã thốt lên rằng, "thật lạ lùng làm sao khi lũ trẻ quỳ gập người trước ông bà, cha mẹ. Bạn sẽ khó thấy được điều này tại các nước phương Tây".
Ở Hàn Quốc, ngày mùng 1 Tết sau lễ Jesa thờ cúng tổ tiên, sẽ đến lễ Sebae - dịp để con cháu thể hiện lòng kính cẩn với bề trên. Tại nhà Kim, bố mẹ chị sẽ ngồi ở chính giữa phòng ngủ của mình. Lần lượt con cái, cháu sẽ xếp thành một hàng thực hiện nghi lễ. Cách bé trai và bé gái quỳ lạy cũng rất khác nhau. Nếu bé gái đặt úp tay phải lên trên tay trái và giữ cánh tay song song với mặt đất, bé trai sẽ xếp tay ngược lại tạo hình chữ V.
Trước khi cúi người, cả hai cùng nói "saehae bok manee badesaeyo",có nghĩa "mong nhiều phúc lành sẽ đến với ông bà" và từ từ cúi gập người. Đồng thời ông bà cũng cúi người và chúc câu tương tự. Kết thúc nghi lễ, các bé sẽ được bậc tiền bối trao những phong bao lì xìđủ sắc màu.
Ở xứ sở Kim Chi, phong bao lì xì có nhiều màu sắc và họa tiết ngộ nghĩnh. Chúng thường được làm bằng vải, dạng dây rút thắt ở đầu túi giúp quà mừng không bị rớt ra ngoài.
Tiền không phải là thứ duy nhất được lì xì, các bé còn có thể nhận được vàng, ngọc hay đá quý biểu trưng cho sự phúc lộc, phát tài dịp năm mới. Do đó, tùy vào điều kiện từng gia đình mà món quà mừng tuổi sẽ khác đi. Và đó chắc chắn sẽ là món quà vô giá của tuổi thơ, mà khi lớn lên, các bé sẽ nhớ về.
Nhật Bản - Những phong bao lì xì mang phong cách manga
Khác với cô bạn Linsay được "thưởng thức" những gia vị văn hóa và nghi lễ ngọt ngào rất mực trang trọng tại Hàn Quốc dịp năm mới. Chuyến xe du xuân sẽ tiếp tục tới đất nước mặt trời mọc xinh đẹp (Nhật Bản) để cùng cô bạn Katsuo Mizuno khám phá văn hóa lì xì khác biệt tại đây.
Ai cũng biết đất nước mặt trời mọc là "thánh địa" của những bộ manga đỉnh cao - vốn là món ăn tuổi thơ, là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà những chiếc bao lì xì cũng mang "hơi thở" của văn hóa truyện tranh.
Theo lời Mizuno, lì xì của người Nhật là những chiếc bao giấy nhỏ xinh với đủ màu sắc và hình thù dễ thương. Dễ thấy nhất là các nhân vật được lấy từ những bộ manga nổi tiếng, hay các linh vật gắn với văn hóa Nhật được vẽ theo phong cách truyện tranh. Tiếng Nhật gọi đó là Otoshidama-bukuro.
Tên gọi này xuất phát từ những chiếc bánh gạo - một biểu trưng cho linh hồn Thần năm mới. Loại to Kagami Mochi được dùng để cúng thần linh, trong khi loại nhỏ hơn, Toshidama sẽ dành cho người trong gia đình thưởng thức, như một tặng vật của thần thánh. Theo thời gian, từ Toshidama (đọc kính ngữ sẽ là o-toshidama) dùng để chỉ món quà bố mẹ tặng cho con cái hay người lớn tặng cho trẻ nhỏ. Với lời chúc sang năm mới sẽ chóng lớn, chững chạc và thành công hơn.
Trẻ sẽ được mừng tuổi cho tới khi học hết cấp 3. Trước kia những món quà may mắn thường là thuốc, kẹo, bánh gạo hay thậm chí là đồ chơi (những con diều cho các bé trai và vợt cầu lông cho các bé gái). Nhưng ngày nay món quà phổ biến nhất lại là tiền mặt đựng trong các phong bao xinh xinh, càng lớn mệnh giá được tặng sẽ càng cao (khoảng 1000 - 10.000 yên, tương đương 200 - 2 triệu VND). Không quên kèm theo câu "Akemashite omedetou gozaimasu" có nghĩa là "chúc mừng năm mới".
Số tiền này các bé có thể dùng để mua sách, truyện hay đồ chơi. Nhưng ngày nay, được sự định hướng của bố mẹ, các bé có xu hướng tiết kiệm tiền cho mục đích học đại học, du lịch hay đầu tư vào một quỹ nào đó khi trưởng thành.
Trung Quốc - Có rất nhiều cách để một đứa trẻ nhận được lì xì
Tại Việt Nam, hầu hết trẻ em nhận lì xì từ bố mẹ, người thân ngay sau đêm giao thừa. Trong khi nước bạn Trung Quốc, văn hóa lì xì có sự khác biệt tùy vào mỗi địa phương. Ở một số nơi, trẻ em sẽ được nhận lì xì ngay trong bữa cơm tối của gia đình. Nơi khác người lớn sẽ chờ khi tiếng chuông mừng năm mới ngân vang mới tặng các em những phong bao đỏ xinh xắn. Có khi cha mẹ sẽ đặt phong bao dưới gối ngủ của các em đêm giao thừa.
Tuy không giống nhau về thời điểm trao quà, nhưng dấu ấn Nho giáo và Khổng giáo vẫn in đậm trong các lễ nghi của người Trung Quốc. Ví như phong bao luôn là màu đỏ in nổi chữ Cát, Lộc hay hình Rồng, Phượng mạ vàng như một biểu tượng cho sự phát tài phát lộc và xua đuổi ma quỷ đến quấy rầy trẻ vào đêm giao thừa. Mỗi tờ tiền trong bao mang thường là số lẻ với ngụ ý tiền sẽ sinh sôi hơn nữa trong năm mới.
Sáng mùng 1 Tết, con cháu sẽ tụ tập ở nhà trưởng tộc, trước là để lễ bái tổ tiên và chúc mừng nhau, sau là để trao những phong bao màu đỏ cho hậu bối. Những người nào không có mặt, có thể gửi lì xì qua đường bưu điện. Khi nhận lì xì, các bé sẽ cúi nhẹ đầu, kết thúc bằng một cái ôm, không quên nói câu cảm ơn và chúc mừng năm mới.
Những chiếc bao lì xì này sẽ được các bé cất dưới gối ngủ, và mở ra vào một tuần sau đó. Cũng giống như trẻ em Việt Nam, số tiền tích lại được sẽ dùng để mua sách vở và quần áo mới. Nhiều em dùng để quyên góp vào các tổ chức từ thiện hoặc đi du lịch cùng gia đình.
Có thể nói, văn hóa lì xì tại ba nước châu Á gồm Hàn - Trung - Nhật vừa có nét tương đồng, vừa khác biệt. Điều này ảnh hưởng từ quá trình phát triển văn hóa - lịch sử lâu dài, mà ở đó, mỗi dân tộc tự hình thành cho mình những nét riêng để đón chào năm mới và mừng tuổi trẻ nhỏ.
TheoCafeF