Người làm báo là tên gọi chung của một nghề nghiệp được xã hội tôn vinh trên mặt trận Văn hóa - Tư tưởng.
Nhà báo còn có cách gọi khác là ký giả nhận sự ủy thác của xã hội khi tác nghiệp trên cương vị của một người lao động làm nghề đặc thù được pháp luật công nhận và bảo vệ theo Luật báo chí.
Tất nhiên trong môi trường tác nghiệp của nhà báo không giống như môi trường tác nghiệp của một người lao động bình thường, đây là môi trường tác nghiệp phức tạp, luôn đứng trước đầu sóng ngọn gió, mang tính đấu tranh, đối kháng giữa cái tốt và cái xấu, giữa thiện và ác, giữa tiêu cực và tích cực, giữa những điều chưa hoàn thiện và hoàn thiện của xã hội.
Nhà báo được giao quyền trong tác nghiệp và thực hiện quyền của mình theo luật, đồng thời theo phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Thời gian qua có nhiều sự kiện liên quan tới một số nhà báo vi phạm pháp luật bị khởi tố (không đề cập tới nhà báo tự xưng, nhà báo rởm), ngoài việc một số nhà báo này phạm tội lợi dụng danh nghĩa nhà báo có hành vi vi phạm những tội hình sự, bên cạnh đó đã có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm phẩm chất cao quý của nghề làm báo.
Một số nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ (thường là mới vào nghề) tự cho mình cái quyền đứng trên mọi quyền khác, thậm chí có cách ứng xử thiếu văn hóa trong khi tác nghiệp. Ví dụ như trong bài viết, một bản tin thay vì phản ánh dư luận, nội dung thông tin sự việc lại phán xét, kết tội luôn người trong cuộc.
Người làm báo chỉ có chức năng phản ánh thông tin, nắm bắt dư luận, điều tra theo yêu cầu bạn đọc để làm rõ trắng đen một sự việc, thậm chí một vụ án oan sai nhưng không thể thay mặt cơ quan điều tra để quy định tội danh hoặc thay mặt Viện kiểm sát để luận tội hay thay mặt tòa án để xét xử, tuyên án.
Nói tóm lại nhà báo chỉ là người đưa tin, phản ánh dư luận chứ không phải là người tạo ra cái mà mình chủ quan mong muốn bất chấp hiện thực khách quan. Có một số nhà báo khi đi tác nghiệp, cụ thể là phỏng vấn những người mình có nhu cầu cung cấp thông tin đã làm luôn vai trò của một điều tra viên, thậm chí có thái độ “trịch thượng” khi tiếp xúc, khi đưa ra những câu hỏi cố tình gây sốc để khai thác thông tin quá đà khiến người được phỏng vấn thay vì hợp tác đã có phản ứng… bất hợp tác, hay căng thẳng hơn, dẫn đến gây sự, đánh nhau.
Đặc biệt có nhà báo khi phỏng vấn lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh lại thiếu sự tôn trọng người được giao trách nhiệm lãnh đạo một địa phương, có thái độ ứng xử thiếu khiêm tốn, thậm chí “xấc xược”.
Những nhà báo này tuy không phổ biến nhưng vô hình trung đã tạo cái nhìn thiếu thiện cảm với các nhà báo, xem nhà báo là “kẻ đáng gờm”, là người phải cảnh giác, luôn trong tư thế phải đối phó thay vì bằng một mối thiện cảm, sẵn sàng hợp tác mọi lúc mọi nơi.
Gần đây, có nhà báo khi đi tác nghiệp ở một bệnh viện đã bị một người có trách nhiệm ở bệnh viện mà nhà báo có nhu cầu nắm thông tin phản ứng mạnh, dẫn đến cự cãi, đánh nhau.
Tất nhiên vấn đề ở đây không thể nhìn từ một phía, dù vị bác sĩ có trách nhiệm đã đánh phóng viên bị xử lý kỷ luật mà phải nhìn cả phóng viên trong thái độ tác nghiệp. Cần đặt câu hỏi vì sao phóng viên lại bị đánh?
Trong việc này dù nói thế nào cũng không thể phủ nhận việc phóng viên thiếu khiêm tốn, ứng xử không khéo nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc. Thiết nghĩ sự khiêm tốn là yếu tố hàng đầu của đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo. Người làm báo và nghề báo đã được xã hội tôn vinh thì người làm nghề hơn ai hết không thể thiếu sự rèn luyện, luôn nâng cao tác phong, phẩm chất, đạo đức để xứng đáng nghề, với lòng tin của độc giả. Và đó chính là văn hóa của người làm báo.
Từ Kế Tường