Nếu quan sát từ góc độ thể chế đối với nỗ lực cải cách kinh tế của chính phủ hiện nay, không khó để nhận ra yếu tố đóng vai trò nền tảng này đang chưa thực sự thích ứng với các yêu cầu cải cách.

Vì sao thể chế là khâu đột phá?

17/06/2016, 21:20

Nếu quan sát từ góc độ thể chế đối với nỗ lực cải cách kinh tế của chính phủ hiện nay, không khó để nhận ra yếu tố đóng vai trò nền tảng này đang chưa thực sự thích ứng với các yêu cầu cải cách.

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến thời hạn được xem là có vai trò quyết định đối với tiến trình cải cách nền kinh tế Việt Nam, khi ngày 1.7 cũng là hạn chót để rà soát và hủy bỏ những điều kiện kinh doanh được ban hành trước ngày 1.7.2015. Kết quả đạt được khi đến thời hạn 1.7 tới sẽ là thành quả cho nỗ lực cải cách đang được chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, tại cuộc họp chính phủ vừa qua, đích thân Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Công tác xây dựng thể chế chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Thể chế, thể chế và thể chế. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế”. Vậy, vì sao thể chế lại là khâu đột phá quan trọng đối với tiến trình cải cách nền kinh tế hiện nay?

Không phải ngẫu nhiên khi nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước khi rời nhiệm sở đã nói trong bài phát biểu cuối cùng trước đại hội Đảng rằng, cải cách thể chế là nền tảng cho cải cách kinh tế. Không nên quên rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế với sự nỗ lực để xây dựng và thông qua hai bộ luật quan trọng là Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, thể chế là phần cứng tạo ra lộ trình thuận lợi cho những cải cách mềm về kinh tế hay bộ máy quản lý và vận hành nền kinh tế. Sẽ rất khó có thể cải cách nền kinh tế nếu như không có sự hỗ trợ mang tính chất nền tảng của thể chế, mà điển hình là nền tảng về mặt thể chế và pháp luật chính là hai bộ Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Không có hai bộ luật quan trọng này thì những nỗ lực cải cách kinh tế của chính phủ sẽ không thu được nhiều thành quả.

Nói cách khác, cải cách thể chế là nền tảng quan trọng và cần thiết cho cải cách về kinh tế, vì thể chế hiện nay chưa có những sự điều chỉnh để đáp ứng với những yêu cầu về cải cách kinh tế. Theo Thủ tướng, cải cách thể chế không chỉ đơn thuần là gói gọn trong các vấn đề như giải quyết nợ đọng văn bản pháp luật, xác định điều kiện kinh doanh phải minh bạch rõ ràng, cải thiện môi trường kinh doanh... mà còn là mối quan hệ giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp, và quan trọng nhất là kỷ cương phép nước trong chính bộ máy chính phủ như một khâu đột phá về thể chế.

Nếu quan sát từ góc độ thể chế đối với nỗ lực cải cách kinh tế của chính phủ hiện nay, không khó để nhận ra yếu tố đóng vai trò nền tảng này đang chưa thực sự thích ứng với các yêu cầu cải cách. Tình trạng này đang diễn ra ngay ở cả cấp cao nhất là Quốc hội, điển hình là việc Quốc hội thông qua Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp trong đó tước quyền ban hành giấy phép kinh doanh của các bộ ngành và giao tập trung quyền đó cho Thủ tướng, nhưng ngay sau đó lại thông qua 7 luật khác trong đó lại trao quyền ban hành giấy phép kinh doanh cho các bộ trưởng trong lĩnh vực mình quản lý. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đó là sự mâu thuẫn với chính Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp được thông qua trước đó. Việc ban hành và thông qua các bộ luật có nội dung mâu thuẫn và chồng chéo nhau vì thế đang gây cản trở lớn với quá trình cải cách kinh tế, mà đồng thời còn cho thấy tư duy làm luật chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả.

Tình trạng các bộ luật được xây dựng và thông qua mâu thuẫn lẫn nhau và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong thực tế của nền kinh tế là một trong những ví dụ điển hình cho thấy nền tảng thể chế của Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thiện. Ngoài ra, vấn đề quan trọng thứ hai liên quan đến thể chế ở Việt Nam là tình trạng luật pháp không được các cơ quan chức năng tôn trọng và thực thi đúng với những gì luật pháp đề cập. Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14.6 vừa qua, theo quan điểm của các luật sư tham dự hội thảo, thì tất cả các điều kiện kinh doanh ban hành trong các thông tư của các bộ ngành là vi phạm pháp luật. Vì theo Luật doanh nghiệp 2005 đã quy định tại Khoản 5, điều 7: “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Nói cách khác, tổng số khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh cấp từ thông tư trở xuống trong rất nhiều năm qua và vẫn đang tồn tại thì đều thuộc diện vi phạm pháp luật và cần được hủy bỏ.

Việc hàng ngàn điều kiện kinh doanh tồn tại trái pháp luật trong nhiều năm qua, tác động trực tiếp tới đời sống xã hội và nền kinh tế một cách rõ ràng và hầu như ai cũng biết này lại là việc trái pháp luật, đang thực sự là một ví dụ không thể điển hình hơn cho tình trạng pháp luật không được tôn trọng và thực thi rõ ràng tại xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, tình trạng này còn nguy hại hơn cả việc tư duy lập pháp của Quốc hội hiện nay vẫn đang mâu thuẫn và chồng chéo lẫn nhau. Kể cả khi Quốc hội có ban hành những bộ Luật thực sự sáng suốt và chính xác đi nữa thì cũng có nguy cơ trở thành vô tác dụng vì tình trạng không tuân thủ luật pháp trong xã hội và nền kinh tế gây ra, mà điển hình nhất ở đây lại là các bộ ngành trong chính phủ, vì đây chính là các cơ quan ban hành ra khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái pháp luật kể trên.

Không khó để nhận ra, nếu không thể giải quyết dứt điểm được hai vấn đề khúc mắc liên quan đến thể chế kể trên, thì khả năng cải cách nền kinh tế Việt Nam hiện tại thành công là điều rất khó có thể xảy ra. Tất cả các bộ Luật của Quốc hội ban hành cùng các nghị định của chính phủ để cải cách nền kinh tế sẽ dễ dàng bị bóp méo, không tuân thủ và thậm chí sẽ bị lờ đi bởi các bộ ngành và địa phương nếu như các bộ Luật và nghị định này động chạm đến quyền lợi riêng của các đơn vị này.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao thể chế là khâu đột phá?