VCCI kiến nghị, Việt Nam cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…

VCCI: Cần xác định kinh tế số là động lực của nền kinh tế

Lam Thanh | 21/02/2022, 12:24

VCCI kiến nghị, Việt Nam cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…

Ngày 21.2, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức phiên cấp cao.

Cộng đồng doanh nghiệp trải qua một năm khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm qua có gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỉ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới…

Ông Dũng cũng cho hay, những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhấn mạnh, những kết quả rất tích cực của Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục, xuất siêu gần 4 tỉ USD, môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh…

Nêu những thách thức của Việt Nam trong năm 2022, bà bày tỏ tin tưởng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao đáng kể khả năng chống chịu, tăng trưởng xanh hơn, đổi mới hơn, bao trùm hơn.

vbf.jpg
Toàn cảnh diễn đàn VBF

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua năm 2021 đầy khó khăn do dịch bệnh COVID- 19.

Khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2021 cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch. Nhờ những điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ, việc triển khai của chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có những điểm sáng trong bối cảnh đầy khó khăn.

10 kiến nghị phục hồi kinh tế

VCCI đã đề xuất tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện.

Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia. VCCI đề nghị Bộ, ngành rà soát quy trình đối với thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài theo hướng áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục; chính sách đối với chuyên gia nước ngoài cần thống nhất thực hiện giữa các địa phương trên toàn quốc.

VCCI cũng đề nghị nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Đặc biệt, cần giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tuyên truyền, động viên tinh thần của người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch COVID19.

Song song với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. VCCI cho rằng, cần đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 ở hầu hết các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

VCCI cũng cho rằng cần nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA. Vì vậy, VCCI đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Kiến nghị tiếp theo là Việt Nam cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến....); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…

VCCI kiến nghị thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, VCCI cho biết, cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI: Cần xác định kinh tế số là động lực của nền kinh tế