Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 ngày 25.5.2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không thiết lập hệ thống phân phối theo quy định khi tiến hành bán lẻ LPG chai trên thị trường” (khoản 3 điều 41 được sửa đổi). Tuy nhiên, theo Nghị định 87, từ điều 20 - 22, “thiết lập hệ thống phân phối” là “quyền” của thương nhân chứ không phải nghĩa vụ.
Theo đó, thương nhân có thể bán hàng cho hệ thống phân phối hoặc bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng. Do đó, việc xử phạt đối với hành vi này là không phù hợp với Nghị định 87 và không có căn cứ (do đây không phải hành vi vi phạm pháp luật).
Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến khí” (điểm c khoản 2 điều 41 được sửa đổi).
Quy định này được hiểu là để áp dụng cho trường hợp vi phạm quy định về nghĩa vụ “Thường xuyên kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến khí” quy định tại điều 21.5, Nghị định 87.
Tuy nhiên, nghĩa vụ gốc ở đây là “thường xuyên kiểm tra…công nghệ”, còn “để phát hiện….” chỉ là mục tiêu của hành vi, không thể thuộc diện xử phạt. Ngoài ra, hành vi là “thường xuyên kiểm tra” chứ không chỉ đơn giản là “kiểm tra”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa lại quy định thành “không thường xuyên kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyển công nghệ”.
Góp ý về “hành vi sử dụng LPG chai mini không được phép nạp lại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”, VCCI cho rằng theo pháp luật xử phạt vi phạm hành chính thì để xác định xử phạt phải có yếu tố "lỗi" trong hành vi.
Tuy nhiên, đối với hành vi này, phần lớn các trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không thể biết được LPG chai mini có được phép nạp lại hay không (bởi việc sang nạp không thực hiện bởi họ). Vì vậy xử phạt hành vi này là chưa phù hợp.
Cũng theo VCCI, hành vi “Không có biên bản giao nhận có ký tên xác nhận của khách hàng sử dụng về kiểm tra độ kín của van chai, các đầu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay chai LPG xong”, “không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG mà cửa hàng ký hợp đồng bán LPG chai” bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng là quá nặng.
Xét bản chất thì các hành vi này không gây nguy hiểm đến các lợi ích công cộng mà chỉ là các lỗi về mặt kỹ thuật trong các hoạt động kinh doanh. Mặt khác, khi so sánh với các hành vi khác trong cùng khung, các hành vi này cũng không nghiêm trọng bằng. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo chuyển khung xử phạt đối với hai hành vi này sang khung nhẹ hơn.
Hành vi “chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký” là vấn đề dân sự giữa các thương nhân kinh doanh LPG và sẽ được giải quyết theo hệ thống pháp luật tư. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
Theo VCCI, hành vi “mua bán các loại LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký” là quyền tự do của các thương nhân. Việc yêu cầu chỉ được thực hiện giao dịch với một thương nhân là can thiệp sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc “không báo cáo nhãn hiệu hàng hóa theo quy định”, “không báo cáo hệ thống phân phối, hoạt động mua bán khí trên thị trường đến cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định” với khung từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng là mức phạt quá nặng, nhất là so sánh với các hành vi trong cùng khung.
Dự thảo quy định xử phạt “từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đầy đủ, rõ ràng biển hiệu, biểu tượng của trạm nạp theo quy định của pháp luật”. Đây cũng là mức phạt quá nặng đối với hành vi này, trong khi mức độ nguy hiểm của hành vi không đáng kể.
Khoản 4 điều 42 (được sửa đổi) quy định xử phạt các hành vi: “Cửa hàng bán lẻ LPG chai bán LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác mà không có hợp đồng hoặc bán LPG chai ngoài hợp đồng đã ký”. Trong khi đó, Nghị định 87 và Luật Thương mại đều không có quy định bắt buộc hợp đồng mua bán này phải được thực hiện dưới hình thức văn bản.
Vì vậy, mọi dạng thỏa thuận đều có thể coi là “hợp đồng”, miễn là được người bán và người mua thống nhất tự nguyện. Do đó, sẽ không thể chứng minh vi phạm này.
Hơn nữa, chú ý là ngay cả khi pháp luật có quy định hợp đồng phải bằng văn bản hoặc tương đương thì việc vi phạm cũng rất ít tác động đến các mối quan hệ hành chính hay trật tự công. Vì vậy xử phạt đối với hành vi này là chưa phù hợp.
Về hành vi “không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định”, VCCI cho rằng quy định này là chưa phù hợp vì Nghị định 87 không có quy định về nghĩa vụ đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân kinh doanh khí.
Lam Thanh