VCCI cho rằng kết cấu thu ngân sách của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững. Theo đó, xét về dài hạn, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách là giải pháp lợi bất cập hại.

VCCI: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng là giải pháp lợi bất cập hại

tuyetnhung | 07/02/2017, 19:54

VCCI cho rằng kết cấu thu ngân sách của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững. Theo đó, xét về dài hạn, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách là giải pháp lợi bất cập hại.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường công bố ngày 14.1, Bộ Tài chính đề xuất khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/líthiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay1.000 - 3.000 đồng/lít.

Dầu diezel từ mức thuế hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít dự kiến bị tăng lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.

Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700 - 7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.

Sau khi được công bố, đề xuất trên của Bộ Tài chính đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Theo nhiều ý kiến, nếu mức thuế này tăng lên sẽ đặt áp lực rất lớn lên người tiêu dùng và khả năng cạnh tranh vốn đang yếu ớtcủa các doanh nghiệp nội địa.

Doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế cạnh tranh

Trước vấn đề được xem là tâm điểm thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đãcó văn bản góp ý với Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Cụ thể trong văn bản góp ý, VCCI cho rằng xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.

Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25-35% đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu và 39,5% đối với hàng không. Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33-59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành.

"Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân", VCCI nhận định.

Mặt kháctheo VCCI, việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lạithì vô hình trung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Với những tác động trên, VCCI nhận thấy việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. Do đây mới chỉ nâng khung thuếchứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên 3 giả thuyết về mức thuế suất gồm mức sàn, mức trần và mức trung bình.

Nguồn thu không bền vững

Về quan điểm tăng thuế để bù đắp ngân sách, VCCI lại thấy rằng việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù vào đó bằng cách tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

VCCI lý giải, kết cấu thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững như: thu từ khai thác tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiền bán đất, thuế bảo vệ môi trường cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt... Trong khi đó, các nguồn thu bền vững hơn như: thuế thu nhập, thuế tài sản lại đóng góp không đáng kể.

Do đó, nếu các loại thuế trên đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách sẽ khiến Nhà nước bị đặt vào vị trí xung đột lợi ích, vì một mặt Nhà nước có chính sách hạn chế tiêu dùng một số loại mặt hàng, nhưng mặt khác, bộ máy nhà nước lại được nuôi sống từ chính mặt hàng đó.

Trước đó, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã lên tiếng khuyến cáo Việt Nam cần chuyển hướng sang các khoản thu mang tính bền vững hơn và cắt giảm chi tiêu công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Theo tính toán của VCCI, nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệtvà thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.

"Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia", VCCI bày tỏ

Do đó, xét về dài hạn, VCCI nhận định rằng việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Điều này sẽ làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng là giải pháp lợi bất cập hại