Đọc bài Cuộc “phỏng vấn” đặc biệt của Bí thư Nguyễn Văn Nên với nhà nghiên cứu 102 tuổi (báo Tuổi Trẻ ngày 16.7.2022), tôi và nhiều người rất thú vị và ngạc nhiên.

Vẻ đẹp từ cuộc trò chuyện độc đáo

Nguyễn Văn Mỹ | 23/07/2022, 09:00

Đọc bài Cuộc “phỏng vấn” đặc biệt của Bí thư Nguyễn Văn Nên với nhà nghiên cứu 102 tuổi (báo Tuổi Trẻ ngày 16.7.2022), tôi và nhiều người rất thú vị và ngạc nhiên.

Thú vị vì những thông tin về “Lão sử gia” Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1922), một nhà sử học không được đào tạo bài bản nhưng có nhiều tác phẩm giá trị. Một tấm gương đầy nghị lực về sự kiên trì, tính tự học, liêm chính và khẳng khái. Hơn trăm tuổi vẫn sử dụng máy tính thành thạo và làm việc miệt mài.

Là nhân viên Ty Điền địa Phú Yên từ năm 1962, ông mày mò nghiên cứu, tự học và cho ra đời những khảo cứu giá trị về đất nước, con người các vùng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Sau 1975, ông thất nghiệp, không có lương hưu; có lúc phải làm nghề vá xe đạp kiếm sống qua ngày. Giữa muôn trùng khó khăn, ông vẫn tiếp tục sưu tập tư liệu, viết sách. Tham gia Hội đồng Đặt tên đường phố TP.HCM, ông đề xuất đặt tên Hoàng Sa và Trường Sa cho hai đường mới hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông còn là tấm gương về việc rèn luyện sức khỏe bằng cách lên xuống cầu thang trong căn gác nhỏ. Nhờ vậy, hơn trăm tuổi, ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, lạc quan và làm việc hiệu quả.

Tính đến nay, ông đã có hơn 60 đầu sách được xuất bản. Tác phẩm tiêu biểu trước 1975 có Non nước Phú Yên (1964), Địa chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974)…, sau 1975 là những công trình biên khảo như: Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân… Hai tác phẩm được giải thưởng là Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ (giải bạc của Hội Xuất bản Việt Nam), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (giải A sách quốc gia). Tuổi cao, ông vẫn đang nỗ lực hoàn thành các cuốn Từ điển địa danh hành chính Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên; Từ điển đối chiếu miếu hiệu, tôn hiệu, tước hiệu và tên người trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tự truyện Kiếp người về cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc.

Ông bảo “viết để người dân về sau thấy có người cùng cảnh ngộ thấy được sự sẻ chia”. Điều khâm phục nhất là ông không có học hàm, hoc vị (giáo sư, tiến sĩ) hoặc hội viên chuyên ngành (nhà văn, lịch sử) nhưng tác phẩm nào cũng có độ chuẩn xác cao. Ông làm việc cật lực, nghiêm túc như tín đồ biên khảo.

Chúng ta ngạc nhiên về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà nghiên cứu hiếm có, và lại thêm ngạc nhiên khi bài báo tường thuật lại cuộc phỏng vấn của người đứng đầu thành phố với một nhà khoa học chân quê. Độc đáo từ người phỏng vấn đến người đươc phỏng vấn, từ cách xưng hô đến việc đặt câu hỏi. Lâu nay, các nhà lãnh đạo đến thăm ai thường để tặng quà, vấn an, chúc sức khỏe. Chưa thấy đấng bậc nào lại làm cái việc phỏng vấn như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khi đến thăm và mừng thọ nhà sử học Nguyễn Đình Tư.

Không chỉ ngạc nhiên về phong cách chân tình, cởi mở từ cả đôi bên mà còn bất ngờ ở nội dung câu hỏi. Cứ như một nhà báo chuyên nghiệp, bản lĩnh. Các câu trả lời chân chất, thông tuệ và đầy đủ. Người hỏi và người được hỏi đều khiêm cung, bình dị, thân tình. Cứ như là tri kỷ, dù mới gặp lần đầu. Không hề có gì ngăn cách giữa người lãnh đạo cao nhất thành phố với một công dân - nhà sử học, nghiên cứu. Cả hai đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc, góp thêm niềm tin yêu vào chính quyền, vào những nhà khoa học chân chính. Cuộc gặp gỡ, trao đổi đã thể hiện phẩm cách từ cả hai người và có sức lan tỏa lớn. Cả hai đều rất đáng ngưỡng mộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
39 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẻ đẹp từ cuộc trò chuyện độc đáo