Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18.3 đã từ chối đề nghị vay khẩn cấp 5 tỉ USD của nhà nước Venezuela để chống đại dịch COVID-19, với lý do chưa được bảo đảm tính hợp pháp của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.

Venezuela vật lộn đối phó dịch COVID-19

19/03/2020, 05:37

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18.3 đã từ chối đề nghị vay khẩn cấp 5 tỉ USD của nhà nước Venezuela để chống đại dịch COVID-19, với lý do chưa được bảo đảm tính hợp pháp của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.

Binh lính Venezuela kiểm tra người dân tuân thủ lệnh đeo khẩu trang - Ảnh: AP

IMF giải thích: “Đáng tiếc, Quỹ khẩn cấp không ở vị trí xem xét đề nghị này, vì không có sự minh bạch về việc quốc tế công nhận chính phủ nước này. Như chúng tôi đã đề cập, IMF làm việc với các quốc gia thành viên được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận, như đã nêu rõ trong quy định về hội viên của IMF. Hiện tại chưa có sự rõ ràng về sự công nhận này”.

Vì sao Venezuela khó vay tiền từ IMF?

Trước đó, chính phủ Maduro đã gởi thư đề nghị lãnh đạo IMF cho vay 5 tỉ USD. Thư đề nghị IMF cho vay tiền đăng trên tài khoản Twitter của Ngoại trưởng Jorge Arreaza hôm 17.3, trình bày rằng chính phủ Venezuela đang tiến hành các biện pháp phòng dịch, kiểm soát gắt gao hoạt động này để bảo vệ người dân.

Thư viết: “Vì lý do trên, chúng tôi hướng tới tổ chức đáng kính trọng của quý vị, để đề nghị xem xét khả năng cho phép Venezuela được vay 5 tỉ USD từ quỹ khẩn cấp thuộc Chương trình Hỗ trợ Tài chính Nhanh của quý tổ chức”.

Theo hãng tin AP, Venezuela là quốc gia đầu tiên cố gắng dựa vào nguồn quỹ 50 tỉ USD mà IMF có sẵn để giúp các nước đang phát triển đối phó với thảm họa, thiên tai, khó khăn tài chính…

Vào năm 2011, IMF lập Chương trình Hỗ trợ Tài chính Nhanh (RFI), là một chương trình cho vay ngắn hạn, nhằm giúp các nước có thu nhập thấp đối phó những cú sốc như thiên tai. Số tiền mà một quốc gia có thể vay được giới hạn ở 100% hạn ngạch của quốc gia đó tại IMF, như trường hợp của Venezuela có thể vay 5 tỉ USD.

Tuy nhiên, các quốc gia có mức nợ mà IMF cho là không bền vững thì sẽ không được vay vốn. Đó có thể là trường hợp của Venezuela, vốn đã vỡ nợ hơn 65 tỉ USD trái phiếu và còn nợ hàng tỉ USD với Nga, Trung Quốc cùng hàng chục công ty năng lượng nước ngoài có tài sản bị chiếm đoạt trong hai thập kỷ qua.

AP nêu thư đề nghị cho vay gởi đến Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva có chữ ký của Tổng thống Maduro. Hãng tin Mỹ cũng nhắc rằng ông Maduro sẽ bị mất thể diện vì thư “xin vay” này, do từ lâu chính phủ Venezuela luôn chỉ trích IMF. Như hồi tháng 2, ông đã lên án IMF là “tay sai, công cụ của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ”.

Ông Maduro cũng từ chối chia sẻ dữ liệu kinh tế với IMF, và trong quá khứ, ông gọi IMF là “bọn giết người uống máu” phải chịu trách nhiệm vì đã đẩy hàng triệu dân Nam Mỹ vào cảnh đói nghèo.

Nhà lãnh đạo còn tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm lật đổ ông, và đã khiến các công ty và ngân hàng nước ngoài từ chối cung cấp các dịch vụ cho chính phủ Venezuela. Ông yêu cầu Washington phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nói Mỹ đã cản trở, không cho Venezuela mua thuốc men cần thiết cho các tình huống khẩn cấp y tế. Thế nhưng các quan chức Mỹ nói lệnh trừng phạt của Mỹ không cấm Venezuela mua thực phẩm và thuốc men.

Mỹ không chỉ là cổ đông lớn nhất của IMF, mà còn có quyền phủ quyết những quyết định lớn của tổ chức cho vay đặt trụ sở ở Washington này.

Thế nên vấn đề chính là đơn vay của Tổng thống Maduro khó có thể được duyệt, nếu như Mỹ không chấp nhận giúp đỡ một chính phủ mà Washington đã không còn công nhận.

Mỹ đã dẫn đầu nhóm hơn 50 quốc gia công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela, sau khi Mỹ cáo buộc ông Maduro gian lận kết quả bầu cử tổng thống năm 2018, và Mỹ lại còn tố cáo chế độ Maduro cướp đoạt hàng tỉ USD của nhân dân Venezuela.

Để khoản vay của chế độ Maduro được duyệt, IMF cũng phải tính đến sự bế tắc chính trị của Venezuela. Và trong khi IMF không công nhận ông Guaido, điều mà Ngân hàng Phát triển liên Mỹ đã làm, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc ép IMF không cho Venezuela vay tiền.

Ông Asdrubal Oliveros, chủ nhiệm tổ chức nghiên cứu kinh tế Ecoanalitica ở thủ đô Caracas của Venezuela, nói: “Điều quan trọng không phải là họ nhận được tiền hay không, mà là IMF sẽ có quan điểm thế nào về dòng tiền của họ được chuyển đến đâu’’.

Nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 từ nơi đông người như trên các phương tiện công cộng của Venezuela - Ảnh : AP

Lệnh cách ly không cản được dân đi kiếm sống

"Đơn xin vay tiền” cũng đã chỉ rõ tình trạng tài chính bất ổn của chính phủ Venezuela vốn đang rất cần để đề phòng hậu quả cơn dịch COVID-19 đánh vào nền kinh tế dựa vào dầu thô đã bị sụp đổ.

Venezuela chưa có ca tử vong nào vì dịch COVID-19, nhưng Tổng thống Maduro nói 33 người nhiễm dịch đã có kết quả dương tính và lây từ nước ngoài.

Phát biểu trên sóng truyền hình tối 15.3, Tổng thống Maduro tuyên bố tình trạng “cách ly xã hội” trên toàn quốc bắt đầu có hiệu lực từ 5 giờ sáng 16.3 trở đi. Theo đó, toàn bộ lực lượng lao động chủ yếu phải ở nhà, và các doanh nghiệp, trường học đều phải đóng cửa.

Ông Maduro nói: “Không còn giải pháp nào khác, chúng ta phải cách ly, nếu không đại dịch này có thể đánh bại tổ quốc ta một cách tàn bạo và thê thảm. Coronavirus không phải là mối đe dọa thật sự, mà là mối đe dọa chết người”.

Quân đội được triển khai toàn quốc để “hỗ trợ hệ thống y tế”, với đài truyền hình chiếu cảnh quân binh đeo khẩu trang và các sĩ quan kêu gọi người dân không tụ tập đông người.

Chính phủ Maduro đã khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi sử dụng hệ thống vận chuyển công cộng. Theo AP, ngay sau lệnh cách ly toàn quốc, người dân Venezuela nháo nhào đổ xô mua tích trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm. Một túi 50 khẩu trang có giá 31 USD, một gia tài nhỏ tại một quốc gia mà đa số người lao động chỉ được hưởng mức lương tối thiểu 4,50 USD.

Và rất nhiều người dân vẫn phải rời khỏi nhà để đi làm vào lúc kinh tế quốc gia sụp đổ, thiếu hàng hóa cơ bản và dịch vụ công cũng bị sập theo. Anh José Luis Nieves, 32 tuổi, nói anh không thể ở yên trong nhà, mà phải đi bới thùng rác để tìm thức ăn ở Quảng trường Venezuela ở thủ đô Caracas. Và nhờ đi lượm ve chai và thùng các-tông ngoài đường rồi bán lại cho các xưởng tái chế, anh có khoản thu nhập tương đương 2 USD/tháng.

Nieves đeo khẩu trang màu trắng đã bẩn, nói với Reuters: “Tay không làm thì sao hàm được nhai. Không đi làm thì các con tôi sẽ chết đói. Chúng tôi vẫn phải nhào ra đường, như mọi khi”.

Chính phủ Venezuela cũng đã phải cấm bán xăng ở hai bang, nhằm hạn chế cuộc hoảng loạn mua hàng hóa tích trữ của người dân vốn đã quen việc phải trữ nhu yếu phẩm bất cứ khi nào rục rịch nguy cơ bất ổn.

Nhưng lệnh của Tổng thống Maduro - cấm xếp hàng bên ngoài các trạm bán xăng - đã bị người dân thành phố San Cristonbal lờ phắt, theo AP. Tại một trạm nọ, tình hình sôi sục khi một số chủ xe tuyên bố sẽ tiếp tục đứng chờ đến khi nối lại việc bán nhiên liệu. Họ đã phải xếp hàng chờ mua sản phẩm này suốt 4 ngày, theo hãng tin Mỹ.

Một tài xế taxi 60 tuổi nói: “Cách ly ở nhà thì tôi sẽ làm gì. Tôi không có thức ăn ở nhà. Nếu tôi không lao động thì không có cái ăn. Có ai cho tôi được kí-lô gạo nào không ?”

Ngày hôm sau, Tổng thống Venezuela tuyên bố cho đến nay cuộc cách ly toàn quốc đã thành công, nhưng vẫn cần áp dụng thêm các biện pháp quyết liệt hơn nữa: “Cuộc khủng hoảng thật sự chỉ mới bắt đầu”, và kêu gọi người dân tự sản xuất khẩu trang cho mình.

Ông Maduro ra lệnh tất cả chính quyền các cấp làm việc không nghỉ “để bảo vệ đồng bào ta trong cuộc khủng hoảng này. Chính phủ sẽ cho phép những ngoại lệ về cách ly, để cho phép các dịch vụ giao thức ăn, y tế và giao thông vận hành suôn sẻ”.

Tình trạng y tế thiếu thốn

Chính phủ Venezuela không công bố các số liệu chăm sóc y tế, nhưng để chống dịch thì nước này lại rất thiếu thuốc kháng sinh và các sản phẩm y tế cần thiết như các bộ xét nghiệm coronavirus…

Hệ thống y tế công cộng Venezuela bị đặt trong tình trạng báo động, do các bệnh viện bị mất nhiều nhân viên có tay nghề, nhân viên ở lại làm việc thì chật vật chữa trị các ca bệnh đơn giản. Trong vài trường hợp, các bệnh viện phải dùng thùng đựng sơn làm bồn đi vệ sinh và phải tái sử dụng bao tay phẫu thuật.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro. Ông cho biết lực lượng của ông đã nhận 3.500 phương tiện bảo hộ dành cho nhân viên y tế của 5 bệnh viện trên toàn quốc.

Ông tuyên bố: “Nếu công việc hàng ngày của họ đã khó khăn vì thiếu điện nước và các sản phẩm y tế cần thiết, thì nguy cơ lây lan dịch coronavirus càng tăng. Sự thật là nhà nước Venezuela không có khả năng phản ứng trước đại dịch này”.

Ông Guaido cũng nói sẽ lập một ủy ban đặc biệt gồm các chuyên gia y tế để giám sát tình hình dịch bệnh. Nhưng ông chỉ có thể kêu gọi người dân ở yên trong nhà, chứ vị chủ tịch quốc hội Venezuela (do phe đối lập kiểm soát) không có bất kỳ quyền lực thực sự nào để xử lý đại dịch COVID-19.

Venezuela từng là một quốc gia giàu có nhờ nguồn dầu thô phong phú, nay nghèo kiệt vì bất đồng chính trị, nghèo đói và thiếu điện nghiêm trọng. Chương trình Lương thực thế giới LHQ gần đây cho biết 1/3 dân số Venezuela bị thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó, lệnh trừng phạt chính phủ Maduro của Mỹ càng khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela thêm nhiêm trọng, với gần 5 triệu dân bị đói ăn, thiếu thực phẩm và thuốc men nên đã tháo chạy khỏi quê hương họ ra nước ngoài trong vài năm gần đây.

Hầu hết các hãng hàng không quốc tế bị cấm đến và rời khỏi Venezuela. Ngày 13.3, chính phủ Colombia đã đóng cửa đường biên giới dài 2.220km với Venezuela để chống dịch COVID-19.

Đây là một điều không tốt cho hàng ngàn người dân vùng biên Venezuela thường qua nước láng giềng mua sắm và làm việc. Cuộc khủng hoảng trong nước đã khiến hơn 4,5 triệu người dân chạy khỏi quê hương qua các nước láng giềng trong đó có Colombia, khiến các chuyên gia ở Colombia lo ngại cuộc khủng hoảng di trú có thể khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh khắp khu vực.

Các chuyên gia y tế nói những di dân Venezuela là khu vực dễ bị phơi nhiễm nhất, và lo sợ dịch CIVID-19 có thể lan rộng đến toàn Venezuela hiện bị tê liệt vì khủng khoảng kinh tế và chính trị.

Bác sĩ Patricia Valenzuela, một thành viên Hội Nhiễm trùng học Venezuela, nói với AP: “Đa số các bệnh viện không có nước, khẩu trang phẫu thuật và thậm chí xà phòng. Chúng tôi không được chuẩn bị tốt”.

Báo cáo của Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) năm 2019 đã kết luận hệ thống y tế công Venezuela “sụp đổ hoàn toàn”, dẫn đến tỉ lệ các bà mẹ và trẻ sơ sinh chết đã tăng cao, cùng với sự lây lan những loại bệnh vốn có thể phòng chống được bằng cách tiêm chủng vắc-xin.

Daniel Lansberg-Rodriguez, một nhà phân tích rủi ro địa - chính trị đang giảng dạy ở Trường Quản trị Kellogg (thuộc Đại học Orthwestern) nói: “Khó thể tưởng tượng một mảnh đất màu mỡ nào khác cho coronavirus phát triển hơn Venezuela thời Maduro. Hệ thống y tế thiếu nhân viên và không được trang bị tốt đã sụp đổ từ nhiều năm trước”.

Bác sĩ Alfonso Rodriguez-Morales, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà nhiễm trùng học Colombia, nói cuộc di cư của người Venezuela sẽ là một thách thức không thể tránh cho cả hai nỗ lực khống chế - đối phó dịch lây lan. Ông nói nhiều người di cư đã bị yếu sức sẵn vì đói ăn và bệnh, và Colombia cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực Nam Mỹ cũng không thể xử lý các hậu quả của hệ thống y tế quá tệ của Venezuela.

Mỹ Trinh (theo AP, Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Venezuela vật lộn đối phó dịch COVID-19