"Tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Việt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp", Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho biết.

VEPR: Chính phủ cần lập cơ quan đặc biệt để tăng năng suất lao động

Trí Lâm | 13/09/2017, 13:29

"Tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Việt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp", Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho biết.

Tăng lương tối thiểu sẽ giảm việc làm, giảm lợi nhuận

Tạihội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13.9, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tỷ lệ tăng lương tối thiểu/năng suất lao động của Việt Nam đang tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đến 50% năm 2015. Xu hướng này khác với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Philippines...

Cụ thể, Trung Quốc có tốc độ tăng năng suất lao động là 9,1%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%, thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất. Tại ASEAN, Indonesia có tốc độ tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Hai nước Philippines và Singapore có tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động.Trong khi đó, Việt Nam tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,4% nhưng tốc độ tăng lương trung bình đạt 5,8%.

"Các chuyên gia quốc tế và ngay cả bản thân người nghiên cứu chính sách như chúng tôi tự hỏi Việt Nam có quy luật nào để điều chỉnh lương tối thiểu không? Việc tăng lương phải chăng chỉ để thỏa mãn người lao động và phần lớn quần chúng nhân dân nhưng không tính đến những tác động tổng thể của nó đối với năng lực của nền kinh tế", ông Thành nói.

Theo ông Thành, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận. Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm.

Theo đó, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tụccó thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.

Ngoài ra, phân tích ở mức độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành chế biến chế tạo đã chỉ ra rằng, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn.

"Khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương laivà do đó mất đi lợi thế so sánh", ông Thành nêu.

Cũng theo công bố của VERP, phân tích về xác suất một cá nhân có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu cho thấy nhìn chung, lao động trẻ tuổi (hoặc lớn tuổi), có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng (không được tham gia vào bảo hiểm xã hội) là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu. Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy hiệu quả.

Cần có cơ quan thúc đẩy năng suất lao động

VEPR cho rằngđiều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Hiện nay,lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, nêncần có các chính sách bổ trợ khácthay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.

Theo các chuyên gia, mức lương tối thiểu đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.

Bên cạnh đó,cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hoá tính toán các nhu cầu cơ bản). Sự điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế; đồng thời phải mời các chuyên gia có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô, kinh tế lao động tham gia Hội đồng tiền lương quốcgia.Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc rõ ràng sẽ làm tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.

"Đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn", đại diện VEPR nêu.

Căn cứ vào đó, VEPR đề xuất đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Có thể thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách sứ mệnh này, từ thay đổi tư duytới học tập và triển khai các mô hình chínhtăng năng suất trên thế giới như của Nhật Bản, Singapore, Israel...Điều này cần được thực hiện trong cả khu vực công cũng như khu vực tư. Đối với khu vực công, phát động và đẩy mạnh phong trào cải thiện năng suất cũng là đi liền với cải cách hành chính và xây dựng chính phủ kiến tạo.

Phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế

"Hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu" - TS Nguyễn Tiến Dũng (VEPR).

"Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế" - VEPR.

"Tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Việt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp" - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR: Chính phủ cần lập cơ quan đặc biệt để tăng năng suất lao động