Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công, còn sự phối hợp của các bộ từ đàm phán đến ký kết thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể, nhưng phải đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW.

Bộ Tài chính sẽ quản lý và chịu trách nhiệm chính về nợ công

Trí Lâm | 13/09/2017, 06:30

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công, còn sự phối hợp của các bộ từ đàm phán đến ký kết thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể, nhưng phải đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW.

Chiều 12.9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong lần cho ý kiến trước (tại phiên họp thứ 13), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tất cả các nội dung, còn một nội dung về việc quy định đầu mối quản lý nợ công giao cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra báo cáo lại với Chính phủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, vấn đề quản lý nợ công là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong điều kiện nợ công tăng cao, sát với trần và vừa qua vấn đề quản lý nợ công có sự chồng chéo và không quản lý được tốt, nhất là những khoản vay nước ngoài, trong đó có khoản ODA và một số khoản vay với các định chế tài chính của nước ngoài.

Do vậy, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công, còn sự phối hợp của các Bộ từ đàm phán đến ký kết thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể, nhưng phải đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW, rà soát điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức của các bộ ngành, cơ quan trung ương địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước.

Trao đổi với phóngviên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn mới đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc quản lý nợ công hiện nay đang rất phân tán, do 3 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước thực thi quản lý. Bộ Tài chính là bộ quản lý chung nhưng thực chất, các bộ kia quản lý theo chức năng và nhiệm vụ của họ. Họ báo cáo với Bộ Tài chính thế nào thì Bộ Tài chính nắm được thế đó.

Điều này dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, quản lý nhà nước phân tán, không có đầu mối chính thống, cơ chế thống nhất. Điều này dẫn đến việc tìm nguồn vốn vay nợ trong nước và nước ngoài, quản lý sử dụng nợ vay cũng như đảm bảo hiệu quả nợ vay không được như mong muốn. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến các khoản nợ công cứ phình dần lên, việc vay nợ trở nên bị động, giật gấu vá vai, cấu trúc lại rất chật vật. Do đó, yêu cầu về quản lý nợ công trở thành bắt buộc của cơ chế quản lý nhà nước, để từ đó có kế hoạch về huy động vốn, quản lý sử dụng vốn, kế hoạch vay trả nợ công hiệu quả.

“Việc đưa về một đầu mối nợ công trở nên cực kỳ cấp thiết. Cơ quan này có thể đặt ở Bộ Tài chính nhưng phải được Chính phủ giám sát chỉ đạo”, ông Thịnh nói và cho rằng Bộ Tài chính đã có sẵn Cục Quản lý nợ và Cục Tài chính đối ngoại, có sẵn các cơ chế quản lý nợ công dưới Bộ Tài chính nên chúng ta có thể phát huy nó. Cùng với đó là tập hợp các khoản liên quan đến quản lý nợ công mà các bộ ngành khác đang nắm về Bộ Tài chính. Còn nếu lập một cơ quan quản lý nợ công riêng thì lại cồng kềnh bộ máy, tăng biên chế thì không nên.

Theo vị này, thốngnhất được đầu mối quản lý nợ công thì mới có được cơ chế quản lý nợ thống nhất từ khâu lập kế hoạch vay nợ cho đến khâu trả nợ vay, đảm bảo nợ công phát huy hiệu quả của nền kinh tế. Điều này cũng thuận tiện hơn cho việc kiểm soát nợ công và gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan trong vấn đề vay nợ và sử dụng vốn vay.

“Trước nay chúng ta cứ theo quan niệm “cha chung không ai khóc” cho nên tất cả cứ quy trách nhiệm tập thể và từ đó đến khi mà nó không trả được nợ thì coi như Nhà nước trả thay. Ngân sách nhà nước lại cấp phát vốn cho doanh nghiệp được bảo lãnh, hoặc cấp vốn cho dự án đã đi vay ODA hoặc đi vay nước ngoài là điều không thể chấp nhận được khi chúng ta đi vào nền kinh tế thị trường”, ông Thịnh nói.

Vị này cũng cho rằng: “Vay có đầu, nợ có chủ” chứ không có chuyện các anh cứ vay thoải mái đi rồi nợ để Nhà nước gánh. Trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cơ quan đứng ra vay nợ không rõ ràng nên những người đại diện của các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan Chính phủ cần là họ cứ vẽ ra để vay. Nhiều khi họ không cần đầu tư thực sự nhưng lại cần dự án, cần công trình để mà có nguồn thu…”.

Thậm chí, theo ông Thịnh,phải quy định trách nhiệm về mặt hình sự cho những chủ thể, những cơ quan đơn vị và người đứng đầu các cơ quan đơn vị đó phải có trách nhiệm về hiệu quả khoản vay và sử dụng khoản vay hiệu quả nhất. Tuyệt đối không như thời gian qua, địa phương nào cần vốn thì cứ phát hành trái phiếu địa phương, vay nợ nước ngoài hoặc phát hành các công trái để huy động vốn rồi cuối cùng trả được nợ hay không thì không quan trọng bởi khi cần thì đã có Nhà nước trả nợ rồi.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính sẽ quản lý và chịu trách nhiệm chính về nợ công