Hãy đặt mình vào vó những chú lừa", đó là thông điệp của các nhà hoạt động bảo vệ động vật trong chiến dịch Hooves (vó lừa) dành cho du khách để họ cân nhắc trước khi quyết định ngồi trên lưng lừa và để chúng phải oằn mình leo lên 600 bậc thang ngoằn ngoèo của vách đá đảo Santorini.
Sau vài mùa Hè qua, hình ảnh những chú lừa phải còng lưng cõng các vị khách du lịch thừa cân ngày càng xuất hiện nhiều. Điều đó cuối cùng cũng buộc các nhà hoạt động, phối hợp với các chủ tàu du lịch, phải hành động. Kết quả là một sáng kiến chưa từng có đã ra đời với mục đích làm cho khách du lịch phải cảm thấy day dứt với các con vật khi buộc chúng phải oằn cõng họ leo lên những bậc thang cao.
Thực ra, từ thời xa xưa người dân trên đảo đã dùng động vật làm phương tiện vận chuyển từ cảng đến khu họ sinh sống với độ cao 400 mét trên mực nước biển. Tuy nhiên, việc sức chở của ngựa, lừa bị thương mại hóa trong bối cảnh nhu cầu du lịch tăng vọt đã khiến chúng bị quá tải. Dưới áp lực nặng nề của người cưỡi, khiến những chú lừa, ngựa bị chấn thương cột sống, lở loét vùng đặt yên trên lưng và kiệt sức tăng nhanh hơn bao giờ hết trong những năm gần đây.
Những con người có lương tri cảm thấy điều này rất bất ổn. Mùa hè năm ngoái, hơn 108.000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến chỉ trích việc lạm dụng sức của lừa ngựa, được mô tả là sự tra tấn vô nghĩa và coi đó là một phương tiện giao thông tàn nhẫn cho những người muốn trải nghiệm Hy Lạp.
Nhiều người tức giận trước hoàn cảnh đáng thương của 4.000 con ngựa, lừa và la (con lai của ngựa và lừa) trên đảo. Họ đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh những du khách bất chấp cân nặng quá khổ của bản thân vẫn thản nhiên đặt mông lên lưng những con vật tội nghiệp. Sự phản đối kịch liệt đến mức đã khiến chính phủ Hy Lạp phải ban hành luật để hạn chế gánh nặng cho động vật. Theo đó, việc ép lừa ngựa chở khối lượng vượt quá 100kg là bất hợp pháp. Tất nhiên, luật là vậy nhưng để hiệu quả thì vẫn không gì tốt hơn là tác động vào nhận thức của du khách.
Chiến dịch Hooves nhằm mục đích khuyến khích khách du lịch phải đắn đo suy nghĩ trước khi sử dụng "taxi lừa" để leo lên những bậc thang dốc từ cảng Fira, ông Catherine Rice, người đưa ra sáng kiến này cho hay. Chiến dịch gợi cho du khách sự quan tâm đến những chú lừa, la trên đảo: chúng có được đối xử nhân đạo hay không, có đủ bóng râm và nước, cũng như liệu có cần bắt chúng đi theo phục vụ hay không. Nếu du khách cảm thấy động lòng, họ có thể lựa chọn các hình thức di chuyển khác như đi bộ hoặc đi cáp treo, những phương thức vận chuyển "có trách nhiệm hơn" với loài lừa trên đảo.
Những nỗ lực không mệt mỏi từ Hooves đã tác động đến cả các công ty khai thác du lịch. Các tàu du lịch tới Santorini đã đăng ký tham gia chiến dịch sau khi nhận được nhiều phản hồi của hành khách tình trạng của "taxi lừa" trên đảo Santorini. Trong cuộc nói chuyện với thị trưởng đảo hôm thứ ba 2.4, các chủ tàu khẳng định họ sẽ nâng cao nhận thức cho du khách bằng cách chiếu một đoạn phim hoạt hình mang chủ đề bảo vệ động vật trước khi tàu cập bến.
Chính quyền đảo cũng ý thức rằng cần khống chế lượng khách du lịch để không gặp những điều bất cập. Thị trưởng Nikos Zorzos khẳng định các biện pháp sẽ thực sự bắt đầu được thi hành trong năm nay để khống chế mức không quá 8.000 người lên bờ trong một ngày.
Theo Guardian, hiện đảo Santorini với diện tích 76 km2 là điểm đến ưa thích tại châu Âu với 17.000 du khách đến mỗi ngày. Việc xây dựng cáp treo tuy có tác dụng chia tải cho những chú lừa nhưng nhìn chung chúng vẫn phải oằn lưng mỗi ngày. Thị trưởng Nikos Zorzos cho biết đại diện của Hiệp hội tàu du lịch đã tới văn phòng ông trong tuần này với hứa hẹn sẽ nâng cao nhận thức cho du khách (chuyện cân nhắc trước khi dùng taxi lừa). Đồng thời, chính quyền sẽ phát tờ rơi thông tin để các du khách hiểu được ý nghĩa câu chuyện.
"Du lịch tràn lan là một vấn đề. Chúng tôi đang cố gắng tìm giải pháp để mọi thứ suôn sẻ. Chúng tôi đã thực hiện các bước cụ thể để cải thiện đời sống cho những chú lừa và với chiến dịch Hooves cũng như việc cắt giảm du khách, tôi bắt đầu cảm thấy lạc quan".
Tú Anh