Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, hiện nay, công trình nhà cao tầng xây dựng sai phép chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với công trình nhà ở riêng lẻ. Vi phạm xây dựng ngày càng giống như quả bom nổ chậm, không biết nổ lúc nào.
Ngày 25.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017.
8-10% chung cư ở TP.HCM có tranh chấp
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết hiện nay, tình trạng tranh chấp chung cư ngày càng diễn ra phổ biến. Hiện tại, có 8-10% chung cư trên địa bàn thành phố phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị, cũng như giữa chủ đầu tư và cư dân.
Nguyên nhân phát sinh tranh chấp là do liên quan đến lợi ích phát sinh từ kinh phí quản lý chung cư. Trong đó, có trường hợp từ chủ đầu tư, có trường hợp từ ban quản trị chung cư hoặc do hai bên không thống nhất được. Khu vực có nhiều chung cư tranh chấp là quận Tân Phú, Tân Bình.
"Có những chung cư chi phí quản lý chỉ 5-7 tỉ đồng, nhưng cũng có những chung cư phí quản lý cực lớn, lên tới ba bốn chục tỉ, thậm chí 70 tỉ đồng. Có những chung cư đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, thậm chí có công trình chưa khởi công đã phát sinh tranh chấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột và phần lớn các dự án có tranh chấp đều là chung cư được xây dựng theo Nghị định 90 của Chính phủ"- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện nay, Nghị định 90 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở giao quyền cho chủ đầu tư quá lớn, trong khi quyền quản lý của Sở Xây dựng và của UBND các quận huyện lại bị hạn chế, dẫn đến vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.
Để giải quyết mâu thuẫn này, hiện tại, Sở Xây dựng TP.HCM phải lập tổ công tác chuyên tham mưu, xử lý, giải quyết các vấn đề tranh chấp chung cư. Sở này sẽ tiếp tục phân loại các vụ việc xảy ra tranh chấp để tập trung xử lý, đồng thời phối hợp với các quận huyện tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Ban quản trị chung cư trên địa bàn thành phố.
Vi phạm xây dựng ngày càng nghiêm trọng
Bên cạnh tranh chấp về chung cư, cũng theo Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM, tình hình vi phạm trong xây dựng tại TP.HCM thời gian vừa qua diễn ra rất phức tạp. Công trình nhà cao tầng xây dựng sai phép hiện nay chiếm tỷ lệ cao hơn gấp nhiều lần so với công trình nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, vi phạm của nhà ở riêng lẻ chỉ chiếm 2-3%, trong khi nhà cao tầng có tỷ lệ vi phạm đến 10%.
“Trên địa bàn thành phố có 145 công trình cao tầng đang thi công thì có 15 công trình vi phạm về xây dựng, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng", ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, với tình hình phát triển đô thị như hiện nay, sắp tới số lượng công trình nhà cao tầng chắc chắn còn tăng nữa. Vì vậy, để theo kịp xu hướng phát triển chung, công tác quản lý cũng cần có sự đổi mới.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, dư luận đang cho rằng có sự tiếp tay của cán bộ chức năng trong xử lý vi phạm xây dựng. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Sở sẽ chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý nghiêm các cán bộ công chức, thanh tra viên có dấu hiệu làm ngơ, tiếp tay cho sai phạm.
“Sắp tới, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục tích cực tham mưu UBND TP.HCM ban hành chỉ thị về quản lý và có quy định xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm về đạo đức, tác phong, nghiệp vụ trong quá trình công tác”, ông Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh.
Người đứng đầu Sở Xây dựng TP.HCM nhìn nhận là hiện nay, sự phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng còn bất cập. Bởi lẽ, lực lượng thanh tra xây dựng đang thuộc Sở Xây dựng; trong khi theo Luật Thanh tra, thanh tra chỉ được tổ chức ở 2 cấp là Trung ương và các tỉnh, thành phố. TP.HCM rất muốn chuyển thanh tra xây dựng cho các quận huyện nhưng phải làm theo luật. Điều này dẫn tới đùn đẩy, tạo sơ hở dẫn tới vi phạm xây dựng như thời gian qua.
“Vi phạm xây dựng giống như quả bom nổ chậm không biết nổ lúc nào”, ông Tuấn đánh giá.
Để giải quyết khó khăn này, ông Tuấn đề xuất chuyển lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở xây dựng về các quận huyện. Lực lượng này khi về quận huyện sẽ trở thành cán bộ trật tự đô thị, vẫn đảm bảo chức năng nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ có văn bản trình bày với Sở Nội vụ và Sở Tư pháp về việc này. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, sẽ có hướng trình với lãnh đạo thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng (so với cùng kỳ tăng 35,6%), phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm tỷ lệ 3,1% trên tổng số lượt kiểm tra (so với cùng kỳ tăng 24%).
Trong đó, xây dựng không phép 830/1.595 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 35,6%); công trình sai phép là 557/1.595 trường hợp(so với cùng kỳ tăng 15,1%).
Phan Diệu