Các nhà nghiên cứu cho rằng một chuỗi các sự kiện có thể được kích hoạt bởi sự lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không được phát hiện có thể gây ra các trường hợp viêm gan nặng bí ẩn được báo cáo ở hàng trăm trẻ nhỏ trên khắp thế giới.
Theo một báo cáo đăng trên medRxiv ngày 14.5 cho biết trẻ em mắc COVID-19 có nguy cơ rối loạn chức năng tăng lên đang kể. Nhưng hầu hết trẻ em bị viêm gan cấp tính không báo cáo về việc nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Thay vào đó, phần lớn được phát hiện bị nhiễm một loại vi rút Adeno chủng 41.
Vi rút Adeno là loại vi rút đã được phát hiện từ 1953 với nhiều chủng và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan. Các tổn thương thường gặp nhất do vi rút Adeno là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm não màng não…
Một nhóm các nhà nghiên cứu riêng biệt cho biết trên The Lancet Gastroenterology&Hepatology rằng có thể trong số những đứa trẻ bị viêm gan bí ẩn, một số còn quá nhỏ để có thể tiêm vắc xin COVID-19. Những đứa trẻ này đã bị nhiễm COVID-19 bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng mà không được phát hiện ra.
Nếu điều đó là đúng, họ đưa ra giả thuyết rằng các hạt vi rút SARS-CoV-2 còn sót lại trong đường tiêu hóa ở những đứa trẻ này có thể khiến cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với vi rút Adeno với một lượng lớn protein gây viêm và cuối cùng gây tổn thương gan.
"Chúng tôi đề nghị rằng trẻ em bị viêm gan cấp tính nên được xét nghiệm SARS-CoV-2 tồn tại trong phân và các dấu hiệu khác cho thấy tổn thương gan đang xảy ra vì protein gai của vi rút SARS-CoV-2 là một "siêu kháng nguyên" làm nhạy cảm quá mức hệ thống miễn dịch", các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay thế giới đã ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ tại 25 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm loại bệnh viêm gan này.