Sau nhiều năm cấp thuốc Exjade 250g cho người dùng bảo hiểm y tế mắc bệnh Thalassemia, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM chuyển sang một loại thuộc nội rẻ tiền gây hoang mang. Nhiều người không dám sử dụng, phải bỏ tiền túi ra ngoài mua Exjade 250g để sử dụng.

Vì sao BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM cấp thuốc rẻ hơn 14 lần cho bệnh nhân?

22/09/2020, 21:05

Sau nhiều năm cấp thuốc Exjade 250g cho người dùng bảo hiểm y tế mắc bệnh Thalassemia, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM chuyển sang một loại thuộc nội rẻ tiền gây hoang mang. Nhiều người không dám sử dụng, phải bỏ tiền túi ra ngoài mua Exjade 250g để sử dụng.

Bệnh nhân bức xúc vì Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM cấp thuốc tẻ tiền - Ảnh: PV

Đổi sang thuốc nội rẻ hơn 14 lần

Mới đây, hàng chục thân nhân, gia đình bệnh nhân đang điều trị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM hoang mang, bức xúc vì bệnh viện này bỗng dưng đổi thuốc, cấp thuốc bảo hiểm y tế rẻ tiền. Thay vì cấp thuốc Exjade theo chế độ bảo hiểm như nhiều năm qua để thải sắt cho bệnh nhân mắc Thalassemia thì bệnh viện lại cấp thuốc Deferox, rẻ hơn 14 lần.

Ông N.V.H. (62 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết thuốc thải sắt Exjade 250g mà bệnh viện cấp cho con ông trong nhiều năm qua là thuốc của Thụy Sĩ, có giá hơn 190.000 đồng/viên, trong khi thuốc bệnh viện đổi để cấp lại là Deferox 500g. Đây là loại thuốc nội, giá chỉ có 27.000 đồng/viên.

Nếu tính cùng trọng lượng 500g, giá Deferox rẻ hơn 14 lần so với Exjade (27.000 đồng so với hơn 380.000 đồng).

“Nếu so về lượng với thuốc Exjade 250g thì Deferox 500g chỉ có 13.500 đồng/viên. Exjade 250g uống ngày đến 7,5 viên, còn thuốc Deferox 500g chỉ có uống 4 viên/ngày. Với một loại thuốc quá rẻ như vậy, làm sao tôi dám cho con mình sử dụng”, ông H. giải thích.

Theo ông H., Bệnh viện Truyền máu – Huyết học bắt đầu chuyển từ Exjade 250g sang Deferox 500g từ đầu tháng 8.2020, đến nay đã hơn 1 tháng. Dù vậy, ông không dám cho con mình sử dụng Deferox 500g vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, hoặc có thể bị phá vỡ hồng cầu trong cơ thể.

Nhiều gia đình bệnh nhân ở đây đặt vấn đề, liệu giá thuốc Deferox 500g rẻ như vậy có đảm bảo chất lượng? Họ không chỉ lo ngại về chất lượng Deferox 500g mà còn sợ đến tác dụng phụ của loại thuốc này.

“Cách đây hơn 1 năm, bệnh viện này cũng đổi từ thuốc Exjade 250g sang Duritex 500g, nhưng giá Duritex 500g rẻ hơn một nửa so với Exjade 250g. Khi sử dụng Duritex 500g được 1 tháng, con tôi đã bị phá vỡ hồng cầu, khiến cháu phải truyền máu liên tục, có khi 1 tuần đã phải truyền máu. Giờ bệnh viện này cấp thuốc còn rẻ đến hơn 14 lần thì làm sao tôi dám cho cháu dùng. Cả hơn tháng qua, tôi phải bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc Exjade 250g cho cháu”, ông H. chia sẻ.

Từ chỗ cấp thuốc Exjade 250g cho bệnh nhân...

Nay, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM chuyển sang Deferox 500g - Ảnh: PV

Chị L.T.T.T. (43 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) cho biết 2 con gái chị là T.L.Y.N. (16 tuổi) và T.Q.A. (14 tuổi) mắc bệnh Thalassemia từ nhỏ, đã dùng nhiều loại thuốc thải sắt và thấy Exjade 250g rất có hiệu quả. “Cả hai con của tôi, sử dụng thuốc Exjade 250g đã được 6 năm qua, các cháu rất ít phải truyền máu, hơn cả tháng, có khi phải 2 tháng mới truyền máu 1 lần. Các cháu khỏe mạnh và học tập tốt”, chị T. nói.

Chị T. đặt vấn đề, tại sao thuốc Exjade 250g đã sử dụng được 6 năm rất hiệu quả trong việc thải sắt giờ lại đổi sang thuốc nội rẻ tiền hơn nhiều lần như thế? Chị T. còn nghi ngờ bệnh viện này có hành động mờ ám trong việc đưa thuốc rẻ tiền cho bệnh nhân.

Cân đối quỹ bảo hiểm y tế?!

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, BS.CK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM cho biết việc sử dụng thuốc Deferox 500g rẻ tiền là để cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Thuốc Deferox 500g được mua sắm theo đúng quy định và do bảo hiểm y tế chi trả. Đây không phải là thuốc bảo hiểm bắt mua 100%, nhưng ngoài thuốc biệt dược là Exjade 250g còn phải mua thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược, có thành phần tương tự như thuốc biệt dược) là Deferox 500g để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế, tránh tình trạng vượt dự toán chi bảo hiểm y tế của bệnh viện.

“Thuốc Deferox 500g được Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp giấy phép nên chắc chắn sẽ an toàn”, ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng đề nghị bệnh nhân nào thắc mắc hay lo lắng về Deferox 500g cứ đến gặp bác sĩ điều trị để tư vấn, giải thích rõ hơn. “Đây không phải là sự thay đổi thuốc mà một thứ thuốc có nhiều loại, loại biệt dược và loại generic. Về nguyên tắc, sau 5 năm thuốc biệt dược hết hạn thì thuốc generic được ra đời, thuốc biệt dược không thể độc quyền mãi. Sở dĩ lúc trước bệnh viện chỉ sử dụng thuốc biệt dược Exjade 250g vì chưa có thuốc generic, còn giờ có thuốc generic nên sử dụng nó. Cả hai loại thuốc này đều được bảo hiểm y tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Song qua tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thay đổi thuốc với lý do giờ có thuốc generic mà đã đổi thuốc liên tục từ 3 năm qua, gần đây nhất vào đầu tháng 4.2019.

Đầu tháng 4.2019, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã thay đổi thuốc biệt dược Exjade 250g sang Duritex 500g và bị bệnh nhân phản ứng. Do truyền thông lên tiếng, Sở Y tế TP.HCM vào cuộc nên bệnh viện này phải quay lại sử dụng thuốc biệt dược Exjade 250g.

Rẻ tiền hơn 14 lần so với thuốc trước đó, chắc chắn chất lượng Deferox sẽ kém hơn nhiều. Bệnh nhân lo ngại về chất lượng và những tác dụng phụ của thuốc này là có cơ sở.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM cấp thuốc rẻ hơn 14 lần cho bệnh nhân?