Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ByteDance, Trương Nhất Minh quyết định từ bỏ việc bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft để thực hiện quan hệ đối tác với Oracle sau nhiều tuần chịu áp lực từ chính quyền Trump, Trung Quốc và các nhà đầu tư của công ty.

Vì sao CEO ByteDance từ chối 20 tỉ USD của Microsoft, nhờ Oracle cứu TikTok?

15/09/2020, 13:33

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ByteDance, Trương Nhất Minh quyết định từ bỏ việc bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft để thực hiện quan hệ đối tác với Oracle sau nhiều tuần chịu áp lực từ chính quyền Trump, Trung Quốc và các nhà đầu tư của công ty.

Trương Nhất Minh từ chối 20 tỉ USD mà Microsoft đặt mua TikTok và chọn Oracle là đối tác công nghệ

Trung Quốc phản đối cùng sự lo ngại từ nhà đầu tư lớn vào ByteDance như Sequoia và General Atlantic về tác động tài chính của việc bán TikTok ở Mỹ với giá thấp hơn giá trị khiến Trương Nhất Minh chọn bán cổ phần cho Oracle thay vì thoái vốn hoàn toàn.

Đó là một chiến lược mạo hiểm vì Tổng thống Donald Trump nói ông muốn ByteDance bán hoàn toàn TikTok ở Mỹ cho một công ty công nghệ nước này trong bối cảnh các quan chức an ninh quốc gia lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể được chuyển cho Chính phủ Trung Quốc. Ông Trump đã đe dọa sẽ cấm TikTok ở Mỹ sớm nhất ngày 20.9 tới nếu ByteDance không tuân thủ.

Microsoft thất vọng trong suốt tuần qua khi ByteDance không phản hồi với giá thầu hơn 20 tỉ USD cho hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, theo Reuters. Giá thầu cũng kèm thêm các khoản thanh toán trong tương lai dựa trên hiệu suất của TikTok.

Các nguồn tin cho biết lời đề nghị này không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư vào ByteDance. Khi thảo luận về giá thầu của mình với chính quyền Trump và các nhà lập pháp Mỹ, Microsoft đã làm Trương Nhất Minh khó chịu vì coi TikTok là một rủi ro bảo mật mà họ có thể khắc phục. ByteDance khẳng định rằng TikTok không có rủi ro như vậy.

Trong khi đó, nhà đầu tư Sequoia và General Atlantic đang làm việc với Oracle về một thỏa thuận thay thế sẽ ngăn việc bán toàn bộ hoạt động TikTok ở Mỹ. Hôm 13.9, Microsoft thông báo ByteDance đã từ chối đề nghị mua lại TikTok ở Mỹ.

Theo Reuters, lời giải thích về cách ByteDance chọn Oracle làm đối tác cho thương vụ TikTok dựa vào việc phỏng vấn với 6 người nắm thông tin về các cuộc thảo luận nhưng đề nghị giấu tên.

Microsoft khiến Trương Nhất Minh khó chịu vì coi TikTok là một rủi ro bảo mật và ra giá thầu thấp hơn các nhà đầu tư vào ByteDance mong đợi

ByteDance và Microsoft không bình luận về chuyện trên. Oracle từ chối bình luận và chỉ xác nhận việc tham gia vào thỏa thuận được đề xuất.

General Atlantic và Sequoia cũng từ chối bình luận.

ByteDance làm việc sốt sắng trong vài ngày qua để đưa ra thỏa thuận cho phép công ty Trung Quốc giữ lại cổ phần thiểu số trong TikTok mà vẫn giải quyết các lo ngại về an ninh của Mỹ. Trương Nhất Minh đề cập đến thỏa thuận này trong các cuộc thảo luận với các giám đốc ByteDance khác như sự tái cấu trúc doanh nghiệp. Một trong những nguồn tin từ Reuters gọi thỏa thuận được đề xuất giống như liên doanh.

Oracle đang đàm phán để nắm giữ một lượng cổ phần kha khá trong hoạt động kinh doanh của TikTok ở Mỹ, phần còn lại thuộc sở hữu của một số nhà đầu tư lớn vào ByteDance, trong đó có General Atlantic và Sequoia.

Oracle sẽ tiếp quản việc quản lý dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ và chịu trách nhiệm về sự an toàn của nó.

Thỏa thuận được đề xuất giữa TikTok và Oracle vẫn phải được đánh giá bởi Chính phủ Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin nói với CNBC sáng 14.9 rằng thỏa thuận sẽ được xem xét bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) trong tuần này và sau đó trình lên Tổng thống Trump với các khuyến nghị.

"Chúng tôi sẽ xem xét nó với các nhóm kỹ thuật của Oracle và các nhóm kỹ thuật của chúng tôi để xem liệu họ có thể đưa ra các giải pháp mà chúng tôi cần hay không", Steven Mnuchin nói về vai trò của Oracle trong thỏa thuận.

Trước đó, các thỏa thuận tương tự đã được CFIUS chấp nhận như Lenovo mua lại mảng kinh doanh máy tính cá nhân của IBM vào năm 2005 và SoftBank Group mua nhà mạng không dây Sprint của Mỹ năm 2013.

Theo Reuters, ByteDance có kế hoạch lập luận rằng sự chấp thuận của CFIUS hai năm trước với việc mua công ty bảo hiểm Genworth Financial (Mỹ) của Tập đoàn Oceanwide Holdings (Trung Quốc) đưa ra tiền lệ cho cấu trúc thỏa thuận mà họ đang đề xuất với Oracle.

Trong thỏa thuận đó, China Oceanwide đã đồng ý sử dụng nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba có trụ sở tại Mỹ để quản lý dữ liệu người mua bảo hiểm của Genworth Financial. ByteDance sẽ tranh luận rằng một thỏa thuận tương tự có thể bảo vệ dữ liệu của người dùng TikTok tại Mỹ, nguồn tin từ Reuters cho biết.

Theo CNN, ByteDance đã có những nhượng bộ khác để thuyết phục Tổng thống Trump. ByteDance cam kết tạo ra một doanh nghiệp TikTok toàn cầu có trụ sở tại Mỹ với 20.000 người lao động, so với hơn 1.000 người như hiện tại.

ByteDance hy vọng rằng việc Chủ tịch Oracle - ông Larry Ellison từng gây quỹ cho Tổng thống Trump hồi tháng 2.2020 và Giám đốc điều hành Oracle - bà Safra Catz phục vụ trong đội ngũ chuyển tiếp chính quyền của Trump vào năm 2016, sẽ thúc đẩy cơ hội của mình.

ByteDance hy vọng ông Larry Ellison (phải) và bà Safra Catz sẽ giúp TikTok thoát hiểm vì cả hai có mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump

Đến nay Nhà Trắng không cam kết gì trong các cuộc thảo luận với ByteDance và vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận được đề xuất giữa TikTok với Oracle có được chấp thuận không.

Tuần trước, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho rằng Trung Quốc muốn ByteDance thà đóng cửa TikTok ở Mỹ còn hơn bán cho công ty khác dưới sự cưỡng ép từ chính quyền Trump. Lý do vì các quan chức Trung Quốc tin rằng thương vụ cưỡng ép sẽ khiến cả ByteDance và Trung Quốc trông có vẻ yếu thế trước áp lực từ Mỹ. Song, ByteDance phủ nhận thông tin này và khẳng định Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ gợi ý họ nên đóng cửa TikTok ở Mỹ hay bất kỳ nước nào khác.

Reuters cho biết thỏa thuận được đề xuất với Oracle sẽ không buộc ByteDance nộp đơn lên chính quyền Trung Quốc để xin giấy phép xuất khẩu cho thuật toán TikTok.

Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Uông Văn Bân từ chối bình luận khi được hỏi trong cuộc họp báo về thỏa thuận TikTok và Oracle, nhưng cho biết TikTok đang bị “bao vây” và “ép buộc” ở Mỹ trong một giao dịch.

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng, công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đang hoạt động và đầu tư tại đây", Uông Văn Bân nói.

Nhân Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao CEO ByteDance từ chối 20 tỉ USD của Microsoft, nhờ Oracle cứu TikTok?