Bộ Quốc phòng sẽ đảm nhiệm việc bắn 21 phát đại bác vào thời điểm thực hiện nghi thức chào cờ trong lễ mít tinh ngày Quốc khánh.
Rất nhiều người không rõ tại sao lại bắn 21 phát mà không phải một con số khác. Thật ra, nghi thức bắn 21 phát đại bác xuất hiện đã khá lâu ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chưa nhiều người biết được nguồn gốc cũng như ý nghĩa của nó.
Theo báo Đà Nẵng, hơn 400 năm trước, ở một số quốc gia châu Âu có tập quán bắn đại bác để đón tiếp khách quý. Nhưng lúc đó, nghi thức này chỉ phổ biến trên các chiến hạm.
Khi chiến hạm của một nước tiến vào cảng của một nước khác thì các khẩu pháo trên chiến hạm phải bắn hết đạn để tỏ mình đến không có ý thù địch.
Xưa kia các chiến hạm có trọng tải nhẹ, số khẩu pháo lắp trên tàu không thể nhiều hơn 7 khẩu và đều là loại lắp đạn từ đầu nòng. Vì vậy, việc nổ pháo rất tốn sức, chỉ có thể nổ từng khẩu và bắn hết 7 khẩu.
Còn trên các pháo đài của bến cảng, chủ nhà bố trí rất nhiều cỗ pháo, họ bắn 3 phát để trả lời và hoan nghênh.Tích của 3 x 7 là 21, đó là nguồn gốc của 21 phát đại bác.
Về sau, tập quán này dần dần biến thành một thông lệ quốc tế. Nó cũng không bị hạn chế trong các trường hợp phải có hải quân tiến nhập cảng của nước khác thì mới dùng. Trong các ngày lễ và các trường hợp đón tiếp khách quý, nghi lễ này cũng được áp dụng.
Năm 1772, nước Anh quy định bắn 21 phát đại bác là nghi lễ trọng đại đón quốc vương và nữ hoàng. Năm 1837, nước Mỹ quy định bắn đại bác là nghi lễ quan trọng nhưng bắn đến 26 phát.
Năm 1875, Quốc vụ viện Mỹ và Công sứ Anh tại Mỹ thỏa thuận dùng tập quán bắn đại bác của hải quân với 21 phát làm nghi lễ trọng đại nhất và 19 phát vào các nghi lễ khác.
Hiện nay, các nước trên thế giới thường thực hiện nghi lễ bắn đại bác với 21 phát khi đón nguyên thủ quốc gia, 19 phát khi đón thủ tướng. Số lần bắn đại bác và các nghi lễ khác thì mỗi nước có quy định riêng.
Ngày nay, nghi lễ này chỉ thực hiện đối với các nước có quan hệ đặc biệt khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hoặc trong các ngày lễ lớn của quốc gia.
Phong Vân (tổng hợp)