Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh đột ngột trước diễn biến thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua có những diễn biến trái chiều.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, từ 15 giờ chiều nay 21.7, giá xăng trong nước giảm phiên thứ ba liên tiếp và về lại mức giá của 5 tháng trước. Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 2.710 đồng/lít, xuống còn 25.240 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít, còn 26.070 đồng/lít.
Lý giải về việc giá xăng dầu trong nước đột ngột giảm sâu tiếp trong kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục có những diễn biến trái chiều. Đầu kỳ, do lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng, bên cạnh đó, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cùng với việc thị trường hàng hóa New York giảm mạnh lãi suất mở trong hợp đồng tương lai… đã khiến giá xăng dầu giảm.
Đến những ngày gần đây, những lo ngại về nguồn cung lại bị đẩy lên khi Mỹ và phương Tây tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga và việc Arab Saudi thông tin đến Tổng thống Mỹ (trong chuyến thăm của ông Biden đến Trung Đông) về việc thiếu công suất lọc dầu nên giá xăng dầu lại có xu hướng tăng.
Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 11.7 và ngày 21.7 là: 112,003 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 16,704 USD/thùng, tương đương giảm 12,978% so với kỳ trước); 116,243 USD/thùng xăng RON95 (giảm 20,287 USD/thùng, tương đương giảm 14,859% so với kỳ trước; 134,261 USD/thùng dầu hỏa (giảm 6,597 USD/thùng, tương đương giảm 4,683% so với kỳ trước); 135,510 USD/thùng dầu diesel (giảm 11,195 USD/thùng, tương đương giảm 7,631% so với kỳ trước); 487,733 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 46,017 USD/tấn, tương đương giảm 8,621% so với kỳ trước).
Bên cạnh đó, theo cơ quan điều hành, trong các kỳ điều hành thời gian qua đã chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) với mức chi 100-1.500 đồng/lít nên số dư quỹ BOG hiện vẫn còn ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp quỹ BOG vẫn còn âm. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp sau dịch bệnh COVID-19, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, giảm mức trích lập quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa để ưu tiên việc giảm mạnh giá xăng dầu trong nước.
Trước đó, một yếu tố quan trọng kéo mặt bằng giá xăng trong nước xuống thấp hơn 1.100 đồng/lít là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít từ ngày 11.7.
Bộ Công Thương cho rằng xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô dùng xăng, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay). Do đó, cơ quan này đề xuất cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.