Hàng loạt bộ ngành bị tắc giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài, đặc biệt có những nơi xin trả lại hàng nghìn tỉ đồng vì khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân. Đó đều là những vấn đề nhức nhối được lãnh đạo các đơn vị bàn bạc tại Hội nghị giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 ngày 26.8

Vì sao loạt bộ ngành bị tắc giải ngân, xin trả lại tiền?

tuyetnhung | 26/08/2020, 18:57

Hàng loạt bộ ngành bị tắc giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài, đặc biệt có những nơi xin trả lại hàng nghìn tỉ đồng vì khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân. Đó đều là những vấn đề nhức nhối được lãnh đạo các đơn vị bàn bạc tại Hội nghị giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 ngày 26.8

                    

Bị tắc giải ngân, xin trả lại tiền

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ thực hiện tháng 8.2020 đạt 21,64% dự toán giao. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước. Đặc biệt, có 7 bộ, ngành không giải ngân được, xin hoàn trả số vốn lên đến 4.099 tỉ đồng, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả nhiều nhất, 1.800 tỉ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 1.135 tỉ đồng. Còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 đến 500 tỉ đồng.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dù là Bộ có kết quả giải ngân khá cao so với bình quân chung của cả nước, song Bộ Giao thông Vận tải vẫn gặp khó khăn không ít khi triển khai các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Cụ thể là nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho dự án dẫn đến các khâu đều bị chậm so với kế hoạch và ảnh hưởng tới kết quả giải ngân.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, lãnh đạo Bộ này đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các trưởng ban quản lý dư án cam kết tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 khiến hai dự án lớn của Bộ tại Bến Tre, Thanh Hoá và Nghệ An bị ảnh hưởng.

Các Bộ ngành khác cũng đều cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài. Hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...

Ngoài dịch COVID-19, nuyên nhân thứ hai được chỉ ra là do những vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Từ đầu năm 2020 đến nay, qua theo dõi của Bộ Tài chính đã có 9 hiệp định vay của các Bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như: Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vay JICA (dự toán 1.970 tỉ đồng), Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ Rạch Sỏi vay Hàn Quốc (dự toán 700 tỉ đồng), Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện vay JICA (dự toán 340 tỉ đồng), Dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 vay WB (dự toán 1.000 tỉ đồng) Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA (dự toán 1.157 tỉ đồng).

Một phần nguyên nhân chậm giải ngân cũng phải kể tới đó là việc bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các Bộ, ngành còn tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 là 2.420 tỉ đồng.

Một vướng mắc của rất nhiều Bộ ngành là vấn đề chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài. Qua các đợt làm việc, rà soát trực tiếp với các chủ dự án hai tháng vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã rút về tài khoản đặc biệt nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỉ đồng.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng làm cho việc giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài bị chậm.

Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đề nghị lãnh đạo các bộ ngành cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các Bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ KHĐT tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra thì phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các bộ ngành có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.

Về tài chính, Bộ Tài chính đề nghị bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định. 

"Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm, chỉ đạo các chủ dự án vào các ngày 15 và 30 hàng tháng chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng Bộ, ngành...", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao loạt bộ ngành bị tắc giải ngân, xin trả lại tiền?