Mỹ có những toan tính trong việc lôi kéo Iran rời Nga, ly gián quan hệ Nga - Iran nhưng toan tính này chỉ phù hợp về mặt lý thuyết còn trên thực tế thì rất khó xảy ra.

Vì sao Mỹ không thể ly gián quan hệ Nga – Iran?

Anh Tú | 15/03/2022, 11:00

Mỹ có những toan tính trong việc lôi kéo Iran rời Nga, ly gián quan hệ Nga - Iran nhưng toan tính này chỉ phù hợp về mặt lý thuyết còn trên thực tế thì rất khó xảy ra.

Khủng hoảng Ukraine và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) diễn ra đồng thời và có quan hệ mật thiết với nhau.

Các quân bài trên bàn đàm phán

Hai tay chơi chính có trong hai sự kiện này là Nga và Mỹ. Tại khủng hoảng Ukraine, Mỹ chỉ trích Nga tiến công Ukraine và áp dụng các lệnh trừng phạt phong tỏa kinh tế Nga nhưng xảy ra tác dụng phụ khó tránh là giá dầu mất kiểm soát. Mỹ cần Iran giải quyết một phần trong bài toán giá dầu.

Còn trong JCPOA, Mỹ dù không tham gia với tư cách 1 bên nhưng lại muốn thỏa thuận mau đạt được để khỏi bận tâm nhiều về Trung Đông. Thỏa thuận này muốn đạt được thì cần Nga để giải quyết các yêu cầu của Iran. Nga ý thức được vai trò của mình và dùng nó để quay lại hóa giải phần nào các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào cuối tuần trước, đoàn đàm phán của Nga ở Vienna (Áo) đã ra yêu sách. Phái đoàn Nga đã yêu cầu quyền miễn trừ trừng phạt đối với bất kỳ thương mại nào trong tương lai với Iran. Phương Tây không đồng ý, thỏa thuận đình trệ.

Sau khi áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cho biết các hạn chế này không có liên hệ với thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo). Để hóa giải yêu sách của Nga nêu trên, Mỹ sẽ cố gắng khởi động một thỏa thuận thay thế không bao gồm Moscow.

Cần quay lại một chút về JCPOA. Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức, tuy nhiên vào tháng 5.2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Điều này đã khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó. Kể từ tháng 4.2021, Iran và các nước còn lại tham gia JCPOA đã tổ chức 8 vòng đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận này.

Chủ ý của Mỹ tạo ra một thỏa thuận mới nhằm để vô hiệu hóa JCPOA có sự tham gia của Nga. Trong thỏa thuận mới, Mỹ có thể chỉ mời Iran và một số nước thân cận tham gia để bàn tay đôi với Iran.

Iran không dễ bỏ Nga

Tuy nhiên, toan tính này chỉ phù hợp về mặt lý thuyết còn trên thực tế thì rất khó xảy ra. Trước hết là từ phía Iran khi họ không có niềm tin vào Mỹ vì với Iran, họ không thể yên tâm với các nước đồng minh của Mỹ ngay trong cộng đồng các nước Hồi giáo (Iran theo dòng Shia còn các nước Ả Rập theo dòng Sunni) chứ chưa kể đến Israel.

Iran không thể phản bội mối quan hệ đồng minh lâu đời và có lợi ích cộng sinh như với Nga. Sẽ chỉ có Nga nghiêng về lợi ích của Iran trong việc sở hữu hạt nhân và hai nước cùng chung quan điểm trong vấn đề Syria. Iran vẫn cần vũ khí Nga, đặc biệt là hệ thống phòng không để chống lại các mối đe dọa trong khu vực. Quan trọng là Iran hiểu rằng Nga thực sự cần Iran trong các vấn đề về Trung Đông nên sẽ không có chuyện bỏ rơi giữa chừng.

Có thể Iran bỏ phiếu trắng trong nghị quyết trước đại hội đồng LHQ yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine nhưng Iran vẫn ủng hộ Nga một cách thiết thực. Lấy ví dụ về JCPOA lần này. Khi Mỹ đánh tiếng về việc tạo ra một cơ chế đàm phán không có Nga thì Iran đáp lại dứt khoát rằng họ bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận hạt nhân mới, hoặc một thỏa thuận tạm thời, mà không có Nga

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatbizadeh mô tả yêu cầu vào phút cuối của Nga rằng các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc tiến quân vào Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trong tương lai của Nga với Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng các báo cáo của truyền thông phương Tây rằng “các cuộc đàm phán đình trệ do yêu cầu của Nga” là một phần trong chiến lược của Mỹ.

Ông Khatibzadeh khẳng định: “Đổ trách nhiệm cho những gì đang xảy ra ở Vienna xuống một yếu tố - nghĩa là nhu cầu của Nga - là điều Mỹ muốn để mọi người quên đi trách nhiệm của chính mình. Không ai được phép quên rằng bên chịu trách nhiệm khiến chúng tôi vẫn không đạt được thỏa thuận trên thực tế, là Mỹ”.

Ông Khatibzadeh cho biết: “Tất cả các vấn đề đều nằm trong giỏ của Mỹ và chúng tôi thông báo rằng nếu Washington thông qua một quyết định chính trị phù hợp hôm nay, các phái đoàn có thể quay trở lại Vienna vào ngày mai”, đồng thời cho biết thêm rằng Nga và Trung Quốc đã có thái độ ủng hộ nhất kể từ khi bắt đầu và Iran tự tin rằng điều đó sẽ tiếp tục.

Mỹ cũng chẳng thể thay đổi quan điểm

Về phía chính quyền của Tổng thống Biden thì họ gặp khó trong vấn đề ly gián Iran và cả Venezuela với Nga cho dù để giải quyết luôn bài toán khó trong lòng nước Mỹ là giá dầu. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Mỹ “sẵn sàng làm hòa với Iran, ký ngay lập tức tất cả các văn kiện và với Venezuela” để kiểm soát giá dầu.

Đảng Cộng hòa chiếm một nửa thượng viện không muốn chính quyền hiện nay đảo ngược chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Donald Trump. Vừa qua, khi mới có tin chính quyền Mỹ muốn tìm cách giảm lệnh trừng phạt với Iran thì 49 Thượng nghị sĩ đã ra tuyên bố chung khẳng định: "Đảng Cộng hòa đã nói rõ: Chúng tôi sẵn sàng và mong muốn ủng hộ một chính sách với Iran, ngăn chặn hoàn toàn con đường đạt được khả năng vũ khí hạt nhân của Iran, hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran”, đồng thời cảnh báo: “Nếu chính quyền đồng ý với một thỏa thuận không đạt được những mục tiêu này hoặc khiến việc đạt được chúng trở nên khó khăn hơn, đảng Cộng hòa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của chúng tôi để đảo ngược nó", đồng thời khẳng định: “Một thỏa thuận lớn mà không có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội sẽ không tồn tại".

Áp lực trong nước, từ phe đối lập rất lớn và có thể trở thành đòn chính đánh vào đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Áp lực đó đã khiến chính quyền Biden phải chùn tay sau khi định giơ tay làm lành với Venezuela.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã đến Caracas vào đầu tháng 2 để có các cuộc hội đàm hiếm hoi với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Có những ý kiến cho rằng Washington có thể chuyển sang Venezuela như một nhà cung cấp dầu thô thay thế. Do vậy, các quan chức Mỹ đã thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm kiềm chế giá dầu tăng cao trong bối cảnh Nga tham chiến ở Ukraine. Nhưng trước áp lực, Nhà Trắng hôm 14.3 vừa thông báo chính quyền Biden không hào hứng thảo luận với Venezuela về việc nhập khẩu dầu từ nước này vào Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Đó không phải là một cuộc trò chuyện tích cực vào lúc này".

Bài học là tự cường

Cú quay xe đột ngột của Mỹ với Venezuela sẽ càng cho Iran thấy một điều rằng sự ấm áp mà Mỹ dành cho họ gần đây chỉ là chuyện thời tiết nắng mưa chốc lát. Cho dù ông Biden có quyết tâm theo đuổi chính sách vỗ về Iran đi chăng nữa thì thời gian không lâu sau, chính sách đó có thể thay đổi bởi một chính quyền khác. Khi đó, Iran sẽ không còn đồng minh đáng tin cậy nào khác.

Và bài học từ Ukraine trong việc từ bỏ hạt nhân sau khi độc lập càng khiến các quốc gia theo đuổi chính sách hạt nhân như Iran hay Triều Tiên kiên định với con đường không từ bỏ những gì họ đang theo đuổi. Châu Âu đánh giá tốc độ làm giàu uranium của Iran đang đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua. Khi thế giới tập trung vào Ukraine và JCPOA càng bị gián đoạn thì Iran càng có thời gian để tập trung phát triển công nghệ của mình. Liệu họ có muốn dừng khi đích ngày càng gần hơn?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ không thể ly gián quan hệ Nga – Iran?