Thảm kịch xảy ra với tàu lặn Titan đang đặt ra câu hỏi "tại sao mọi người lại thích tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm ở những địa điểm xa xôi và liệu có nên hạn chế mô hình du lịch kiểu này?".
Du lịch mạo hiểm là gì?
Loại hình du lịch mạo hiểm đang trở thành ngành kinh doanh lớn, có giá trị hàng tỷ USD và đang phát triển nhanh chóng. Các chuyến du lịch kiểu này rất tốn kém, nhằm mục đích kích thích quá mức các giác quan của con người và đi đến những giới hạn bên ngoài của trái đất, bao gồm: đại dương sâu thẳm, núi cao, vùng cực và thậm chí cả không gian vũ trụ.
Du lịch mạo hiểm không phải là mới, tuy nhiên, trong những năm gần đây, loại hình du lịch này đã thu hút sự chú ý rộng rãi nhờ những cuộc chinh phục đỉnh Everest hay những chuyến đi băng qua Drake Passage ở Nam Cực và sự phát triển nhanh chóng của du lịch vũ trụ dành cho những người giàu có.
Sự gia tăng của việc chia sẻ nội dung du lịch trên mạng xã hội và du lịch trả thù sau đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng mức độ phổ biến của nó.
Tại sao con người bị thu hút bởi các chuyến du lịch mạo hiểm?
Các hoạt động mạo hiểm giải phóng các chất hóa học trong não có thể gây nghiện. Nghiên cứu cho thấy, việc tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm, chẳng hạn như leo lên một ngọn núi cao có thể mang lại cảm giác vô cùng hưng phấn.
Một số người cũng bị thu hút bởi những vẻ đẹp hoang sơ và xa xôi của những địa điểm họ đến thăm. Bên cạnh những giới hạn về thể chất, còn có cảm giác hồi hộp mà con người có được khi đẩy cơ thể mình đến giới hạn của nó và đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình. Nhảy dù, nhảy bungee là những ví dụ phổ biến về điều này. Ngay cả việc nếm thử một món ăn đáng sợ cũng đẩy khách du lịch ra khỏi vùng an toàn của chính họ và giúp họ cảm thấy phấn khích.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm vì những người họ ngưỡng mộ, chẳng hạn như những người đi du lịch đến Nam Cực để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà thám hiểm Ernest Shackleton.
Các hoạt động mạo hiểm không chỉ khiến người tham gia có cảm xúc hưng phấn mà còn cảm giác khác, đó là khi danh sách trải nghiệm được nối dài thêm và được chia sẻ trên mạng xã hội sẽ mang lại cảm giác được ngưỡng mộ đối với họ. Nghiên cứu cho thấy nhiều du khách tìm kiếm sự ngưỡng mộ khi thực hiện những trải nghiệm đầu tiên, dài nhất hoặc khắc nghiệt nhất có thể.
Tuy nhiên, du lịch mạo hiểm không dành cho tất cả mọi người. Nó thường chỉ dành cho một số ít người có đặc quyền, ví dụ như để thực hiện một chuyến thám hiểm trên tàu lặn Titan, hành khách phải trả 250.000 USD.
Những tác động tiêu cực của du lịch mạo hiểm
Loại hình du lịch này có thể gây hại cho môi trường và tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương. Ví dụ, sau nhiều hoạt động leo núi hàng loạt, tác động môi trường đối với đỉnh Everest đã trở nên cấp bách.
Khi rủi ro xảy ra, chi phí cho các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ có thể rất lớn và khiến các đội cứu hộ gặp rủi ro lớn. Hoàn cảnh khó khăn của khách du lịch mạo hiểm thường là tâm điểm của các bản tin trên các phương tiện truyền thông, trong khi những người ứng cứu khẩn cấp thường bị bỏ qua.
Du lịch mạo hiểm sẽ không biến mất
Bất chấp những thảm kịch có thể xảy ra, khách du lịch vẫn bị thu hút bởi hành trình tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo ở những nơi nguy hiểm nhất, chưa được khám phá. Khách du lịch cũng ngày dễ dàng tham gia vào các chuyến du lịch mạo hiểm vì các công ty du lịch luôn chào mời chúng với độ an toàn cao.
Hai thập kỷ trước, khi dự báo về sự phát triển của du lịch vũ trụ, nhà nhân chủng học Valene Smith cho biết du khách muốn gì, ngành này sẽ cung cấp. Sự tăng trưởng ồ ạt của du lịch mạo hiểm có thể dẫn đến những vấn đề thậm chí còn lớn hơn nếu ngành này không được quản lý đúng cách. Nếu khách du lịch phải đối mặt với những rủi ro lớn, thì trách nhiệm này thuộc về ai và việc phục hồi tổn thất như thế nào nếu tai nạn xảy ra?
Nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty bảo hiểm du lịch cũng đã cảnh báo khách hàng về độ rủi ro, tuy nhiên, các quy định về công bố rủi ro có sự khác nhau giữa các quốc gia. Điều này có nghĩa là khách du lịch có thể phải tự đánh giá rủi ro và điều này rất nguy hiểm.
Sự cố xảy ra với tàu lặn Titan cho thấy, bản chất không thể đoán trước và hậu quả không mong muốn của du lịch mạo hiểm là rất rõ ràng. Mặc dù tiền có thể cho phép chúng ta đi du lịch hầu hết mọi nơi nhưng không phải nơi nào cũng là an toàn để bất chấp tính mạng để khám phá, trải nghiệm.