Logistics đang nổi lên như một ngành học thời thượng, nhiều trường ĐH mở thêm để đào tạo, đã có rất nhiều học sinh đăng ký nhưng không phải ai cũng hiểu logistics là gì vì cụm từ này còn khá mới mẻ.

Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

05/07/2020, 08:53

Logistics đang nổi lên như một ngành học thời thượng, nhiều trường ĐH mở thêm để đào tạo, đã có rất nhiều học sinh đăng ký nhưng không phải ai cũng hiểu logistics là gì vì cụm từ này còn khá mới mẻ.

TS. Nguyễn Văn Thành đang chia sẻ kiến thức chuyên môn với sinh viên trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng -Ảnh: Tú Viên

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

>>Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

>>Ngành logistics trả lương hàng ngàn đô vẫn mỏi mắt tìm người được việc

Thời gian gần đây cụm từ “ngành học logistics”, “quản lý chuỗi cung ứng và logistics” bỗng nhiên trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Nhiều trường đại học mở thêm ngành này và rầm rộ tuyển sinh. Logistics cũng đang là mục tiêu của rất nhiều sinh viên trong việc “tìm kiếm tương lai”.

Logistics là gì?

Logistics có thể tạm dịch sang tiếng Việt là “hậu cần”.Theo Hiệp hội Các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), logistics là “một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.

Hiểu một cách đơn giản, logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hoạt động của logistics bao gồm vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.

Logistics góp phần lớn vào sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực và thời gian, giúp hạ thấp giá thành sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Logistics xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào?

Trên thực tế, logistics không phải là ngành quá mới mẻ, nếu tính từ ngày thành lập Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (tiền thân của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – VLA) thì ngành logistics Việt Nam đã có từ 30 năm trước, cho đến thời gian gần đây logistics đột nhiên tăng trưởng rất ấn tượng. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, có quy mô khoảng 40 – 42 tỉ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm có khoảng 3.000 doanh nghiệp nội địa và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Ngành logistics giúp thúc đẩy giao thương giữa các quốc gia - Ảnh: Viknews

Riêng trên địa bàn TP.HCM có khoảng 800 – 900 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong tổng số khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước. Theo ước tính của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Sự phát triển nóng của dịch vụ logistics đã khiến cho nguồn nhân lực cho ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.

Theo dự đoán, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành. Đó cũng chính là lý do hiện nay nhiều trường đại học trên cả nước rầm rộ mở thêm ngành học logistics nhằm đón đầu xu thế này với triển vọng mở ra cơ hội việc làm cho những người theo học ngành này.

Học logistics ở đâu?

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành logistics như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Hàng hải, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, ĐH RMIT, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân… Các khóa học về logistics cung cấp kiến thức cho người học về rất nhiều lĩnh vực khác nhau như tìm kiếm và phân phối nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, vận tải, chuỗi cung ứng, kiểm soát hàng tồn kho và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, do phạm vi của logistics thường vượt ra khỏi biên giới quốc gia, nhiều khóa học logistics cũng tích hợp cả việc nghiên cứu chiến lược kinh doanh và marketing quốc tế vào các khóa học của mình.

Theo TS Đàng Quang Vắng (Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thì “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng không phải là một ngành độc lập mà là ngành kết hợp giữa kiến thức kinh tế, kỹ thuật và công nghệ để giải quyết vấn đề kinh tế của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và nhập – xuất hàng hóa. Đối với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đào tạo ngành này thiên về dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Chương trình và giáo trình giảng dạy dựa trên nền tảng của các quốc gia rất phát triển ngành này như Phần Lan và Mỹ.

TS Đàng Quang Vắng cho biết thêm, sinh viên chọn ngành logistics trong những năm gần đây có xu hướng tăng khá cao với tỷ lệ chọi khoảng từ 8 đến 9. Mức phí đào tạo của ngành tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 20 triệu đồng/năm, thời gian đào tạo trong 4 năm. Hiện nay sinh viên ra trường gần 100% có việc làm, trong đó nhiều người đang làm cho các công ty lớn và tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, TS Đàng Quang Vắng cũng bày tỏ sự lo ngại về hướng đào tạo đại trà và ào at như hiện nay, với đà này thì chỉ khoảng 5 -7 năm nữa ngành này sẽ bị bão hòa như bao ngành khác.

TS Đàng Quang Vắng (phải)- Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Tú Viên

Với nhu cầu học logistics ngày càng cao, đồng nghĩa với việc các trường đại học có ngành này phải có đội ngũ giáo viên đúng chuyên ngành, đây cũng là vấn đề cấp bách được các trường đại học quan tâm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, chương trình đào tạo kỹ sư logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng kéo dài 4 năm với mức học phí là 22,5 triệu đồng một học kỳ cho chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và 38,5 triệu một học kỳ cho trương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, với một năm học gồm 2 học kỳ chính.

“Hiện nay, có rất nhiều trường ĐH tuyển sinh đào tạo ngành logistics, chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng về kinh tế - quản trị. Tuy nhiên, chương trình đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng được đào tạo theo chương trình kỹ sư. Theo học chương trình này, sinh viên có nhiều thời gian thực hành, thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đây là điều các công ty, doanh nghiệp rất cần khi tuyển dụng”. Trường Hồng Bàng bắt đầu tuyển sinh ngành này từ năm năm 2019 - 2020, dù mới bắt đầu tuyển sinh năm đầu tiên nhưng đã thu hút được nhiều học sinh đăng ký học.

Số sinh viên hiện tại của ngành đã chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số sinh viên của toàn khoa. Trong năm học này, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng dự kiến tuyển sinh trên 100 chỉ tiêu, TS Nguyễn Văn Thành cho biết.

Có bằng cấp ngành học logistics có dễ xin việc?

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay với sự giao lưu kinh tế cởi mở giữa các quốc gia, việc lưu thông, trao dổi hàng hóa diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Đó là lý do khiến cho ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trở nên có sức hút lớn. Đây là ngành được đánh giá là có triển vọng phát triển cao với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên theo khảo sát thì tỷ lệ đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành này chỉ đang ở mức 40%. Do đó, đây là ngành đang rất "hot" với tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường ở mức cao.

Phùng Mai Anh từng theo học ngành logistics, sau khi tốt nghiệp cô đã được vào làm cho một công ty nước ngoài, hiện Mai Anh là Trợ lý Trưởng đại diện văn phòng tại Việt Nam của Công ty Ekman Pulp & Paper Limited Co., Ltd Vietnam. Cô cho biết những kiến thức đã học giúp cô rất nhiều trong công việc cũng như thăng tiến trong sự nghiệp.

Công việc của Mai Anh là phải xâu chuỗi tất cả các khâu từ lúc bắt đầu một đơn hàng cho đến khi kết thúc bao gồm báo giá, chốt deal, làm hợp đồng rồi cho đến nhập khẩu. Cô phải theo dõi lịch giao chuyển hàng, tên tàu, tên hãng, thời gian vận chuyển cùng với khách hàng để khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra sẽ kịp liên hệ với phía nước ngoài cũng như hãng tàu ở Việt Nam để giải quyết. Mai Anh tiết lộ ngoài những kiến thức chuyên sâu, người làm việc trong ngành logistis phải thông thạo ngoại ngữ cộng với một đức tính thận trọng, tỉ mỉ, bởi công việc liên quan nhiều đến chứng từ nên chỉ cần sai một li là đi một dặm, hàng hóa sẽ không thể thông quan.

Theo TS Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Phó trưởng bộ môn Logistics, Trường ĐH Hồng Bàng thì “người học logistics sau khi ra trường không chỉ biết rằng “làm” logistics là làm công tác quản lý và khai thác vận tải, trong khi ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là một ngành học bao trùm hầu hết hoạt động của một doanh nghiệp, không chỉ riêng vận tải. Chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc vận chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất tới người tiêu dùng".

“Do tính chất của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mặt tại tất cả các khâu trong quá trình chuyển hóa sản phẩm từ nguyên vật liệu đến khi sản phẩm tới tay khách hàng, các bạn sinh viên học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước ở các lĩnh vực như sản xuất hàng hóa (Adidas, Nike, Unilever, Intel…), cung ứng dịch vụ (Vietnam Airline, VietJet, CJ…), các nhà bán lẻ (Co.opMart, BigC, Lotte…). Bạn cũng có thể làm việc tại các nhà cung ứng dịch vụ logistics (Germadept, DB Schenker, DHL, Fedex…) và các hãng tàu (Maersk Line, MOL, OOCL…).

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể làm chuyên viên tại các cơ quan nhà nước về giao thông vận tải, cảng biển, sân bay và dịch vụ logistics. Khi được trang bị thêm kiến thức nghiệp vụ sư phạm, bạn cũng có thể giảng dạy về ngành học này tại các cơ sở đào tạo, trường cao đẳng, đại học”, TS Nguyễn Văn Thành gợi ý.

Mặc dù ngành học logistics đang thu hút rất nhiều người theo học, tuy nhiên về mặt tổng thể ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế bởi cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách, quy mô và năng lực của doanh nghiệp, nguồn nhân lực… vẫn chưa bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Theo các chuyên gia, hiện tượng các trường đại học thi nhau mở ngành học logistics sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và nguồn nhân lực từ ngành logistics sẽ dư thừa trong vài năm tới.

>>Ngành logistics trả lương hàng ngàn đô vẫn mỏi mắt tìm người được việc

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

>>Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

Bài và ảnh: Tú Viên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?