Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ quy định thống nhất thời điểm khai giảng năm học 2020-2021 trên cả nước là ngày 5.9. Thông tin này lập tức được nhiều phụ huynh, học sinh đón nhận như một tin vui. Không ít người bày tỏ sự đồng tình và hy vọng Bộ GD-ĐT giữ lập trường, đưa vào "quy định cứng" cho các năm học tiếp theo.

Mùa hè đúng nghĩa: Bao giờ trở lại?

02/07/2020, 22:15

Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ quy định thống nhất thời điểm khai giảng năm học 2020-2021 trên cả nước là ngày 5.9. Thông tin này lập tức được nhiều phụ huynh, học sinh đón nhận như một tin vui. Không ít người bày tỏ sự đồng tình và hy vọng Bộ GD-ĐT giữ lập trường, đưa vào "quy định cứng" cho các năm học tiếp theo.

Có rất nhiều những trải nghiệm thú vị đang chờ đón các em trong mùa hè này-Ảnh: Tú Viên

Theo ông ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD-ĐT, thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1.9. Các trường sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học mà chỉ tập trung học sinh trước ngày khai giảng chỉ để ổn định nền nếp.

Tựu trường nên cùng ngày khai giảng

Với chương trình giáo dục hiện nay cùng với lịch học dày đặc, khái niệm “nghỉ hè” đối với học sinh dường như đã trở nên xa lạ vì bất kể mùa nào, học sinh cũng chỉ học và học, học ở trường, học ở nhà, học thêm, học kèm…và nhiều hình thức “học” khác đã chiếm hết mọi khoảng thời gian của tuổi học trò.

Lùi lại hơn một thập kỷ về trước, thời điểm nghỉ hè được quy định khá rõ ràng cả nội dung lẫn hình thức. Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6, khi đã vượt qua được các kỳ thi đầy áp lực, các em học sinh lại háo hức bước vào kỳ nghỉ hè vui vẻ với gia đình người thân…

Thế nhưng giờ đây, kỳ nghỉ cũng đã lùi vào quá khứ cùng với thế hệ học sinh đi trước. Thực tế hiện nay cho thấy, sau khi kết thúc năm học vào khoảng cuối tháng 5, các em học sinh cuối cấp phải lao vào việc học việc thi, trong khi đó, học sinh các cấp còn lại bắt đầu với chương trình gọi là “học thêm” đầy ám ảnh.

Kỳ nghỉ hè bằng những tiết “học thêm”, “học ngoại khóa” cũng nhanh chóng trôi qua. Bởi từ đầu tới giữa tháng 8, nhà trường bắt đầu gọi học sinh tựu trường để sắp xếp chuẩn bị cho năm học mới hoặc học chương trình mới. Tính ra kỳ nghỉ hè của các em chưa tới 60 ngày. Nhưng 60 ngày đó các em hoàn toàn không được nghỉ ngày nào.

Các em cần được về với những miền quê để trải nghiệm cuộc sống nông thôn mộc mạc, trong lành.

Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, đa số các em học sinh đều muốn được nghỉ ngơi vui chơi trong những ngày hè nhưng vì áp lực của gia đình, do cha mẹ không muốn con mình thua kém bạn bè nên nhiều em buộc phải học. Chính những điều này đã tạo nên áp lực và làm trẻ mất đi tuổi thơ, mất đi những ngày hè đúng nghĩa.

Chị Mai Thuý (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Nhà tôi có 2 con nhỏ nên việc sắp xếp việc nghỉ ngơi vui chơi cho các con vào kỳ nghỉ hè là việc lớn trong năm. Làm sao để các con được trải nghiệm những điều bổ ích do kỳ nghỉ mang lại là vợ chồng tôi phải lên kế hoạch trước cả vài tháng. Kỳ nghỉ được kéo dài như thế này mới thực sự là nghỉ, chúng tôi có đủ thời gian để đi du lịch, thăm thú họ hàng, ông bà nội ngoại mà trong năm bận rộn khó có thể sắp xếp”.

Một khảo sát khác cho thấy, nhiều phụ huynh ở thành phố rất muốn con có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa để họ có thể đưa các con về quê thăm họ hàng ông bà nhằm gắn kết tình cảm gia đình. Đây cũng chính là dịp để trẻ em thành phố trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn, hưởng thụ không khí trong lành, trực tiếp tiếp cận với thế giới tự nhiên như ruộng đồng, sông suối. Cao hơn nữa là giúp tuổi thơ về văn hóa truyền thống dân tộc. Đó là môn học thực tế mà không trường lớp nào có thể mang lại được.

Cần một kỳ nghỉ dài để các em tái tạo năng lượng chuẩn bị cho năm học kế tiếp.

Chị Khánh Ly (TP. Hạ Long) suy nghĩ thực tế: “Học sinh cấp 1,2 còn nhỏ, lượng kiến thức ít nên cho nghỉ dài cũng tốt, tránh được cái nắng gắt của mùa hè. Thời gian nghỉ hè là mùa cao điểm của nắng nóng nên nếu các con phải đến trường thì việc thu lượm kiến thức cũng không thực sự hiệu quả”, chị Ly nói.

Về việc cho học sinh nghỉ hè dài hay không thời gian qua giữa các nhà trường trên cả nước đều không thống nhất, mỗi nơi mỗi ý kiến. Cách đây mấy năm, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã đề xuất cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, đây cũng là tỉnh đầu tiên đưa ra đề xuất “trả lại mùa hè thật sự cho tuổi thơ”.

Trong một chia sẻ với báo chí gần đây, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục nói rằng khi chứng kiến học, nhất là tiểu học, mầm non phải đi học giữa những ngày thời tiết nắng như đổ lửa, ông thấy rất xót xa.

“Lâu nay dư luận phàn nàn nhiều về việc cho học đi học cả tháng trời rồi mới khai giảng năm học mới. Nhân năm học đặc biệt này, Bộ GD-ĐT nên hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, học được nghỉ hè nhiều hơn một chút mà cũng trả lại được ý nghĩa của ngày khai trường”, ông Ân đề nghị.

Trên thực tế, việc kéo dài kỳ nghỉ hè thêm một tháng cũng tạo điều kiện để Bộ GD-ĐT có chuẩn bị kỹ hơn đối với chương trình sách giáo khoa mới và các học sinh đầu cấp có được kỳ nghỉ trọn vẹn.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng muốn con mình có kỳ nghỉ hè dài đến 3 tháng. Nhóm phụ huynh ở các thành phố lớn thì lo ngại thời gian nghỉ hè quá lâu sẽ khiến các con mải chơi game, xem TV hoặc lướt web nếu như gia đình không có điều kiện cho các con tham gia các khoá kỹ năng hay là những chuyến du lịch.

Chị Phí Huyền, một giảng viên ĐH ở Hà Nội, cho rằng nghỉ hè 3 tháng thì hơi dài, nếu chia ra mùa hè nghỉ 2 tháng, mùa đông 1 tháng là hợp lý hơn vì thời tiết mùa đông miền Bắc khá khắc nghiệt, các con đi học sớm hay bị viêm họng, cảm cúm. Lâu nay trên danh nghĩa thì trường nào cũng cho nghỉ hè nhưng lại mở lớp học thêm từ tháng 8. Điều này phần nào cũng gây áp lực cho học sinh. Thay vì tiếp thu kiến thức nhà trường, học sinh có thể trải nghiệm bên ngoài với những kỹ năng khác.

Với nhóm phụ huynh thuộc gia đình công nhân lao động thì lại lo lắng về kỳ nghỉ hè kéo dài vì khi họ đi làm thì bọn trẻ ở nhà làm gì? Chị Nguyễn Bình (Quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Nếu cho đi học thêm, tham gia các câu lạc bộ thì cũng phải có người đưa đón chứ 2 con tôi mới học cấp 1, 2 nếu cho chúng tự đi thì không yên tâm”.

Đứng ở góc độ nhà giáo dục, bà Thuý Nga, Hiệu trưởng một trường mầm non cho rằng riêng khối tiểu học nên cho đi học sớm từ tháng 8 để các con khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đến trường. Những bé không học trước dễ lâm vào tình cảnh sợ sệt khi thấy các bạn đọc trôi chảy, điều này dễ gây khủng hoảng cho các bé ngay từ những ngày đầu tiên đi học. Chúng tôi không đồng tình việc phụ huynh cho con học trước nhưng làm sao ngăn cản được phụ huynh. Đầu năm học, lớp đã phân hóa thành nhiều “trình độ” khác nhau khiến giáo viên rất vất vả.

Bài và ảnh: Tú Viên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa hè đúng nghĩa: Bao giờ trở lại?