Thâm hụt thương mại nặng nề sau 8 tháng tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi về những gì mà hội nhập đã và sẽ đem lại cho Việt Nam, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn hơn mà Việt Nam đã ký kết chuẩn bị có hiệu lực.
Nền kinh tế Việt Nam đứng trước câu hỏi về lợi ích và vai trò thực sự của hội nhập, sau một thời gian khá dài nói về các lợi ích của hội nhập một cách đầy lạc quan từ đầu năm đến nay. Thâm hụt thương mại nặng nề sau 8 tháng tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi về những gì mà hội nhập đã và sẽ đem lại cho Việt Nam, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn hơn mà Việt Nam đã ký kết chuẩn bị có hiệu lực.
Sự thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi AEC có hiệu lực là nguyên nhân khiến cho Việt Nam rơi vào thế thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề với các nước ASEAN. Điều đáng nói làtrước khi AEC có hiệu lực, mức thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đã được thu hẹp đáng kể trong vài năm trở lại đây, nhưng nó đã tăng đột biến trở lại sau khi AEC đi vào hoạt động. Đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho điều khó hiểu này, có thể sẽ giúp Việt Nam rút ra bài học cho những FTA quy mô lớn hơn sắp đi vào hoạt động.
Những số liệu thống kê về tình hình trao đổi kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và thị trường ASEAN 8 tháng sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức đi vào hoạt động có thể xem như một cú sốc khá mạnh vào những kỳ vọng về lợi ích mà hội nhập đem lại. Cụ thể, dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước ASEAN giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 8,3% và chỉ đạt giá trị 22,8 tỉ USD) do trì trệ đang là tình trạng chung của kinh tế thế giới, nhưng cán cân thì ngày càng nghiêng về phía các đối tác trong khu vực của Việt Nam. Cụ thể, trong khi xuất khẩu của các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ giảm 5,1% thì xuất khẩu của chúng ta vào thị trường ASEAN giảm tới 12,3% (theo CafeF).
Nói cách khác, tình trạng nhập siêu từ các nước ASEAN của Việt Nam đang ngày càng trầm trọng. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm chúng ta đã nhập siêu khoảng 3,633 tỉ USD. Xu hướng bất lợi về trao đổi thương mại với Việt Nam này được dự báo sẽ tiếp tục mạnh hơn về quy mô trong thời gian tới, khi nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước ASEAN vào Việt Nam như ô tô, hàng gia dụng và nông sản đang ngày càng lớn. Nếu không có những biện pháp đối phó, tình hình có thể sẽ nghiêm trọng hơn khi Việt Nam có thể trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa trong khu vực, như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã lo ngại.
Vậyđâu là những lý do khiến cho những kỳ vọng của Việt Nam về lợi ích mà AEC đem lại đã không trở thành sự thực? Trên thực tế, nhập siêu từ các nước ASEAN không phải là một điều gì mới mẻ với Việt Nam, khi trong 10 năm qua chúng ta luôn ở trong trạng thái nhập siêu từ thị trường khu vực Đông Nam Á. Điều đáng nói là mức thâm hụt này ngày càng được thu hẹp lại qua từng năm. Chẳng hạn như nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN vào năm 2010 là 5,2 tỉ USD, đến năm 2011 giảm còn 4,2 tỉ USD, năm 2012 còn 3,7 tỉ USD và năm 2015 còn 3,5 tỉ USD. Nhưng với mức nhập siêu trong 7 tháng đầu năm nay đã lên tới 3,6 tỉ USD, thì nhiều khả năng nhập siêu từ ASEAN trong cả năm 2016 sẽ phá vỡ mức thu hẹp kể trên.
Nguyên nhân chủ yếu cho sự gia tăng đột biến mức nhập siêu này được xem là do ảnh hưởng của việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động kể từ đầu năm nay, do hiệp định này đã đẩy mạnh quy mô trao đổi kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á (ngoài ra cũng do ảnh hưởng từ việc Việt Nam ký kết các FTA lớn, khiến mức độ đầu tư và nhập khẩu vào Việt Nam từ ASEAN tăng mạnh).
Điều đáng nói ở đây làViệt Nam đã kỳ vọng việc tham gia AEC sẽ khiến tình trạng nhập siêu từ các nước ASEAN sẽ nhanh chóng chấm dứt, do quy mô nhập siêu đã ngày càng giảm dần trong vài năm trở lại đây. Nói cách khác, cán cân thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã ngày càng thu hẹp theo hướng có lợi cho Việt Nam, và về lý thuyết AEC sẽ thúc đẩy tình trạng có lợi này cho Việt Nam. Nhưng thực tế sau 8 tháng thì lại hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đã không đánh giá hết các tác động mà AEC đem lại, thậm chí những gì được dự đoán đã sai hoàn toàn.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân chủ yếu là vì Việt Nam xuất phát chậm hơn 6 nước phát triển trong AEC khoảng 5 năm, do 6 nước này đã hiện thực hóa một số điều khoản quan trọng của AEC từ năm 2010 trong khi đến cuối năm 2015 Việt Nam mới gia nhập toàn diện vào AEC. Gia nhập sau, xuất phát chậm hơn, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị và tốc độ hội nhập kém là những lý do Việt Nam ngày càng thua sút và rơi vào thế bất lợi. Nói cách khác, nguyên nhân chủ quan là do Việt Nam đã thiếu sự chuẩn bị, nên khi tham gia vào một thỏa thuận thương mại đã được hình thành và vận hành từ 5-6 năm trước thì bị đuối sức. Điều này khiến cho những thành quả về thu hẹp thâm hụt thương mại với ASEAN từ năm 2010 đến nay đang đứng trước nguy cơ đổ bể.
Ngoài ra, sai lầm của Việt Nam là đã tham gia toàn diện vào AEC với tâm thế cho rằng thỏa thuận thương mại với các nước ASEAN cũng giống như những hiệp định thương mại với các thị trường lớn khác như Mỹ hay EU, trong khi thực tế lại khác hoàn toàn. Theo đánh giá, mặc dù thị trường các nước ASEAN có dân số đông và mức tiêu dùng cao nhưng trên thực tế thì trình độ phát triển kinh tế lại không đồng đều và bị phân hóa về chi tiêu.
Các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore hay Brunei có thu nhập đầu người cao, tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe, trong khi đó các nước như Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia hay Myanmar lại có thu nhập đầu người trung bìnhvà thấp, tiêu chuẩn hàng hóa cũng thấp hơn. Nói cách khác, mức độ phân hóa thị trường lớn khiến cho nhu cầu hàng hóa bị xé lẻ và rất khó để xâm nhập. Điều này khác hoàn toàn với Mỹ hay EU vốn có thị trường có thu nhập đồng đều và sức mua tương đương.
Một nguyên nhân quan trọng khác cũng đã không được đánh giá chính xác, là sự tương đồng về các chủng loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với các nước ASEAN, như đồ điện tử, nông sản, dệt may... Khi xuất khẩu vào các thị trường lớn bên ngoài như Mỹ hay EU thì hàng hóa Việt Nam có ưu thế hơn về giá nhân công và các chi phí khác, khiến cho dù có sự tương đồng về chủng loại hàng xuất khẩu thì Việt Nam vẫn có lợi thế hơn. Nhưng khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung, thì sự tương đồng này lại trở thành bất lợi cho Việt Nam do nhu cầu nông sản hay dệt may của các nước ASEAN với hàng Việt Nam không lớn, trong khi các mặt hàng như đồ điện tử thì các nước ASEAN có lợi hơn do mức giá rẻ hơn 5-10% so với hàng cùng loại liên doanh trong nước của Việt Nam.
Nhàn Đàm