Khi chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa là kết thúc năm 2015, các số liệu thống kê trong suốt một năm bắt đầu được công bố giúp chúng ta nhìn rõ hơn bức tranh kinh tế Việt Nam trong suốt năm 2015.
Mức tăng GDP 6,68% cao nhất trong 5 năm trở lại đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại, nhưng phía sau nó cũng bắt đầu xuất hiện những vấn đề mới đáng quan tâm không kém. Một trong số đó là: sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015 cũng đánh dấu sự quay trở lại của nhập siêu. Mức chênh lệch là không lớn, khi Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD trong suốt năm 2015, nhưng nó lại là câu chuyện về sự biến động mạnh của các xu thế chủ đạo trong kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Vậy, vì sao nhập siêu quay trở lại trong năm 2015?
Trên thực tế, câu chuyện xuất siêu và nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam trong suốt những năm qua nhìn chung là không thay đổi trong năm 2015, chỉ có điều nó biến động với một tần suất bất thường hơn khá nhiều. Đã nhiều năm qua, câu chuyện cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu và máy móc từ Trung Quốc, sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nói cách khác Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc và xuất siêu sang các thị trường Nhật và phương Tây.
Khi tình hình thuận lợi, xuất siêu của Việt Nam sang Nhật và phương Tây tăng mạnh hơn số nhập siêu từ Trung Quốc, thì kết thúc năm đó Việt Nam là nước xuất siêu. Còn khi tình hình không thuận lợi, xuất khẩu giảm còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên, thì năm đó Việt Nam nhập siêu. Câu chuyện Việt Nam nhập siêu của năm 2015 cũng diễn ra tương tự.
Theo thống kê, trong năm 2015 Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, nếu xét riêng với từng thị trường, thì bức tranh tổng thể là khá u ám khi Việt Nam ngày càng nhập siêu từ nhiều quốc gia hơn, trong khi số quốc gia Việt Nam xuất siêu lại giảm đi. Cụ thể là mức nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng từ 29 tỷ USD trong năm 2014 lên 32,3 tỷ USD trong năm 2015, tăng 12,5% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập siêu nhiều hơn từ thị trường Hàn Quốc với tổng mức 18,7 tỷ USD, tăng 28% và ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 45%. Trong khi đó một số quốc gia trước đó Việt Nam xuất siêu nay lại chuyển thành nhập siêu, điển hình như Nhật Bản. Chỉ có duy nhất Mỹ và EU là Việt Nam vẫn duy trì được mức xuất siêu cao như những năm trước, đạt lần lượt 25,5 và 20,6 tỷ USD. Nhưng mức tăng trưởng xuất siêu thì lại có dấu hiệu giảm đi, khi mức tăng xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2014 là hơn 5 tỷ USD so với năm 2013, còn xuất siêu năm 2015 chỉ hơn năm 2014 600 triệu USD.
Vấn đề chủ đạo ở đây là, Việt Nam đang ngày càng chịu thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia hơn, và mức thâm hụt thương mại đó ngày càng tăng lên với tốc độ rất cao theo từng năm; trong khi số quốc gia chịu thâm hụt thương mại với Việt Nam lại ít đi, và mức thâm hụt đó thì lại tăng không đáng kể. Xu hướng này đang gia tăng trong vài năm gần đây, cho thấy những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.
Đúng là trong năm 2015 Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi, chẳng hạn như thời tiết làm ảnh hưởng đến nông nghiệp và giá nông sản bị giảm mạnh. Có thể Việt Nam sẽ vẫn là nước xuất siêu nếu như giá nông sản như cà phê không giảm mạnh trong năm 2015, nhưng nó không che khuất được vấn đề cốt lõi rằng Việt Nam đang ngày càng chịu thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia hơn.
Có nhiều nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức này không những không giảm mà còn ngày càng tăng, khi Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 29 tỷ USD trong năm 2014, thì con số này đã tăng lên 32,3 tỷ USD trong năm 2015.
Sự phụ thuộc này lớn đến mức, Việt Nam càng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thì mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc càng tăng lên thông qua việc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Càng tìm cách giảm phụ thuộc thì lại càng phụ thuộc hơn, đó là một nghịch lý rất lớn.
Cùng với đó là việc tăng cường các quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác, thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA. Đúng là về lâu dài, các hiệp định này sẽ đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam; nhưng trong ngắn hạn nó sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ các quốc gia này tăng lên đáng kể. Điển hình là Hàn Quốc. Việc hàng loạt các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư những dự án tỷ đô tại Việt Nam đang khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng lên chóng mặt.
Trong năm 2014 là gần 15 tỷ USD, còn năm 2015 là 18,7 tỷ USD. Hầu hết nguyên liệu, linh kiện máy móc phục vụ cho những dự án lớn này đều là nhập khẩu từ Hàn Quốc, trong khi hàng hóa sản xuất ra lại rất ít xuất khẩu về Hàn Quốc, dẫn đến việc Việt Nam bị thâm hụt thương mại lớn thông qua mức nhập siêu khổng lồ ấy.
Một nền kinh tế khác được dự báo cũng sẽ tăng cường mức xuất siêu lớn sang nền kinh tế Việt Nam trong tương lai là các nước ASEAN. Trong số các nền kinh tế có mức tăng xuất siêu sang Việt Nam, thì ASEAN là nền kinh tế có tốc độ tăng xuất siêu lớn nhất, lên tới 45% so với 28% của Hàn Quốc và 12,5% của Trung Quốc. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2015 thì mức xuất siêu đó được dự báo sẽ còn lớn hơn rất nhiều, khi Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ Thái Lan, Singapore hay thậm chí là Lào.
Điều này được lý giải bởi việc, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài (FDI) vào đầu tư ở Việt Nam, và họ nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu từ nước ngoài ngày càng nhiều, trong khi lại ít xuất khẩu về các quốc gia đó. Tổng giá trị nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2015 là 98 tỷ USD, tăng 16,4%; trong khi khu vực này xuất khẩu chỉ tăng 13,8% đạt 115,1 tỷ USD. Nó cũng bắt nguồn từ sự suy yếu của các doanh nghiệp trong nước.
Trong năm 2015 khu vực trong nước xuất khẩu chỉ đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2014. Trong khi đó, mức nhập khẩu của khu vực trong nước lại lên tới 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%. Như thế, Việt Nam nhập siêu trong năm 2015 phần lớn là đến từ mức thâm hụt thương mại của khu vực trong nước, lên tới 20,3 tỷ USD.
Việc này cho thấy cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam đang có những tồn tại cần tháo gỡ. Khu vực doanh nghiệp trong nước chủ yếu hoạt động khá kém hiệu quả, dẫn đến thâm hụt thương mại và nhập siêu khá lớn. Trong khi đó các khối FDI tuy xuất siêu nhưng mức nhập khẩu cũng đang gia tăng chóng mặt. Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến tình trạng đó là việc Việt Nam gần như không thể tự chủ được việc cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện máy móc phục vụ cho sản xuất của cả khối trong nước lẫn khối FDI.
Nó dẫn đến việc Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc và nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu điều này không được cải thiện, thì dù Việt Nam có ký nhiều các hiệp định thương mại hơn nữa, thì mức thâm hụt thương mại sẽ vẫn không được cải thiện, và Việt Nam sẽ vẫn là một nước nhập siêu.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Vneconomy, The Saigon Times, CafeF)