Theo Financial Times, Trung Quốc đang thay đổi chính sách đối phó với cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động bằng cách hợp lực với các nước khác.
Kế hợp tung là "hợp chúng nhược dĩ công nhất cường", nghĩa là hợp nhiều nước nhỏ đánh một nước lớn, nhằm chống bị nước lớn thôn tính được thực hiện dưới thời Chiến quốc tại Trung Quốc.
Theo Financial Times, Trung Quốc đang phản ứng một cách bất thường với quyết định gia tăng thuế của chính quyền Mỹ bằng cách tìm kiếm các đồng minh ở châu Á, châu Âu và trong lòng nước Mỹ nhằm chống lại quyết định của Washington. Từ những hành động của mình, Bắc Kinh cho thấy họ đang định dùng kế hợp tung để đáp trả Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang một cách đáng lo ngại.
Trong các cuộc chiến thương mại trước đây với Nhật Bản, Pháp, Philippines và gần đây nhất Hàn Quốc thì Trung Quốc tiến hành chiến dịch "tẩy chay ngoại giao" chống lại các tập đoàn lớn của quốc gia đối địch.
Tuy nhiên, lần này Trung Quốc đã thận trọng trong chiến dịch chống lại Mỹ vì Bắc Kinh có nhiều lý do để tránh đụng độ toàn diện với Mỹ và muốn giữ hình ảnh nước họ là một điểm đến hấp dẫn.
Theo Financial Times, phản ứng thận trọng của Trung Quốc là vì quan hệ thương mại song phương Trung - Mỹ quá quan trọng, đến mức Trung Quốc không muốn làm đổ vỡ mối quan hệ này thêm nữa.
"Quy mô nền kinh tế Mỹ và quyền lực kinh tế của họ lớn hơn so với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Điều đó khiến chuyện này trở nên độc đáo", Max Zenglein, nhà kinh tế cấp cao tại Học viện Merics ở Berlin cho biết.
Kết quả là, Trung Quốc thay vì thể hiện sức mạnh của mình, đáp trả Mỹ theo kiểu ăn miếng trả miếng mà họ từng làm với các quốc gia khác, thì lại sử dụng kế sách hoàn toàn khác để đối phó với Mỹ.
Bắc Kinh thay vì khép thị trường lại với các công ty Mỹ thì họ lại mở rộng thị trường hơn với các công ty nước ngoài, kể cả công ty Mỹ. Các quan chức Trung Quốc đang hứa hẹn, thúc đẩy các tập đoàn châu Âu, Nhật Bản gia tăng đầu tư vào nước họ như là một thị trường tiềm năng và mở.
Trung Quốc mới đây còn viện trợ 15 triệu USD cho Palestine, một hành động được cho là để mua chuộc khối Ả Rập. Trung Quốc cũng đẩy mạnh cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Bắc Kinh cũng từ chối đem vấn đề đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào như là một yêu sách trong quan hệ thương mại với Mỹ.
"Thách thức là ở chỗ người Trung Quốc không có nhiều khả năng để trả lời bằng thuế quan", ông Kellie Meiman, chuyên gia thương mại tại McLarty Associates nói, nhận xét về lý do Trung Quốc thay đổi cách đáp trả với Mỹ.
Thực sự, việc tẩy chay doanh nghiệp Nhật Bản hồi năm 2012 và tẩy chay doanh nghiệp Hàn Quốc năm ngoái đã không có nhiều tích cực đối với Trung Quốc khi chỉ khiến các doanh nghiệp các nước đối thủ đưa nhà máy của mình sang các nước láng giềng như Việt Nam. Việc đánh thuế vào hàng hóa Mỹ cũng có thể dẫn đến nguy cơ làm tăng lạm phát tại Trung Quốc.
"Tránh để tư tưởng dân tộc hữu khuynh bùng phát"
Tư tưởng dân tộc hữu khuynh tại Trung Quốc đã bùng phát trong nhiều lần chiến tranh thương mại trước đây với Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều đó thậm chí còn gây hại tới nền kinh tế Trung Quốc khi các công ty Nhật và Hàn chuyển sản xuất sang nước khác.
"Bề nổi thì Trung Quốc đang cố đáp trả Mỹ. Trên thực tế thì những đòn này rốt cuộc lại là một cú đánh ngược lại Trung Quốc. Ba thứ mà chúng tôi chọn áp thuế: đậu tương, máy bay và khoai tây, là những sản phẩm mà chúng tôi cần nhất", Shen Dingli, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nhận xét.
Kết quả là, thay vì kích động thêm thì Trung Quốc chọn giải pháp giảm nói về chiến tranh thương mại với Mỹ trên báo chí của mình, đặc biệt là những tờ báo có khuynh hướng hữu khuynh như Hoàn cầu Thời báo.
"Chúng tôi sẽ giữ dư luận xã hội ở mức độ tốt, không để tình hình leo thang... và tấn công một cách chính xác, cẩn thận, chia tách các nhóm lợi ích trong lòng nước Mỹ", theo một đoạn bản ghi nhớ chỉ thị cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc liên quan đến chiến tranh thương mại với Mỹ bị rò rỉ.
"Mỹ có sức ảnh hưởng quá lớn đối với Trung Quốc. Mức ảnh hưởng là to gấp 10 lần so với Hàn Quốc. Mỹ cũng ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc và nhiều lợi ích cá nhân của người dân. Rất nhiều người Trung Quốc không muốn chống Mỹ", Sima Pingbang, một blogger nổi tiếng tại Trung Quốc nhận xét tình thế hiện tại.
Thật vậy, "cư dân mạng" Trung Quốc thậm chí còn cổ vũ cho một chiếc tàu chở đậu nành từ Mỹ, chỉ vì con tàu cập cảng Trung Quốc trước khi nước này chính thức áp thuế đáp trả Washington. Còn chính quyền Trung Quốc thì tuyên truyền rằng cuộc chiến thương mại hiện nay với Mỹ là thuần túy kinh tế, không phải là một cuộc chiến chính trị hoặc là một đối đe dọa đối với tinh thần dân tộc.
Ái Vi (Theo Financial Times)