Trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng, và có xu hướng sụt giảm. Tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, năm 2023 chỉ còn 12% so với cả nước, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Vị thế và vai trò của TP.HCM có phần sụt giảm

Hồ Quang 12/09/2024 15:23

Trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng, và có xu hướng sụt giảm. Tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, năm 2023 chỉ còn 12% so với cả nước, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần.

Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ như trên tại cuộc họp báo "Đối thoại hữu nghị TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 và Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024" vào sáng nay 12.9.

vi-the-va-vai-tro-cua-tphcm-dnag-co-xu-huong-sut-giam-hinh-anh.png
Ban tổ chức cuộc họp báo - Ảnh: PV

Theo ông Phạm Bình An, TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

So với cả nước, TP.HCM có diện tích chỉ bằng 0,63%, chiếm 9,4% dân số nhưng đóng góp 15,9% GDP, 26,4% tổng thu ngân sách, 39,9% khách du lịch quốc tế, 18,6% số trường đại học đặt tại đây với 31,5% số sinh viên đại học.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng sụt giảm. Cụ thể, tỷ trọng kinh tế TP so với cả nước giảm; số lượng doanh nghiệp đông (gần 300.000) nhưng chưa mạnh (97% nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu); tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, chỉ còn 12% cả nước (năm 2023); tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần (năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%).

Đáng lo ngại hơn, trong những năm qua kinh tế TP.HCM phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng; diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn TP đạt 5.921ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.

“Do đó, TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới”, ông An nói.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển bền vững đang trở nên phổ biến, với trọng tâm là giảm phát thải để ứng phó biến đổi khí hậu. Các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với sản phẩm hàng hóa. Các FTA thế hệ mới gắn thương mại với phát triển bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp. Các chuẩn mực chung về phát triển bền vững như ESG, IFRS; GRI, CSR… dần phổ biến và chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như TP.HCM không thể đứng ngoài cuộc. Nếu chúng ta không tuân thủ các tiêu chuẩn này sẽ mất thị trường. Đây là xu thế chung, và chúng ta phải đáp các tiêu chuẩn này mới có thể trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông An nhấn mạnh.

Đề cập đến chủ đề của Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 là “ Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết trong chủ đề này đã xuất hiện 3 thành tố quan trọng. Chủ đề của diễn đàn năm 2024 này có sự kế thừa phát phát huy của chủ đề năm 2022 và 2023. Ở năm 2022, chủ đề của diễn đàn nói về chuyển đổi số, năm 2023 nói về tăng trưởng xanh.

“Chủ đề của diễn đàn năm 2024 này làm rõ việc chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là phải thực hiện chuyển đổi công nghiệp. Chuyển đổi công nghiệp là động lực mới của TP. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế của TP đã sụt giảm. Các lĩnh vực vốn là thế mạnh, truyền thống của TP gần như đã khai thác hết công sức và đến giai đoạn bão hòa. Thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM hiện nay không phải là địa phương cao nhất nước mà là tỉnh Bình Dương. Điều này cho thấy, những động lực cũ chúng ta đã chạy hết công suất, bây giờ chúng ta phải tìm động lực mới”, ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, các chủ đề của diễn đàn năm 2022, 2023 mang tính định hướng; còn chủ đề của diễn đàn năm 2024 này đi sâu vào tổ chức triển khai các định hướng đó thành những hành đồng, đó là việc thực hiện chuyển đổi công nghiệp.

Theo Ban tổ chức, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue – FD) lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển” diễn ra từ ngày 23 đến 24.9.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 36 đoàn địa phương và bộ ngành quốc tế xác nhận tham dự FD 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.

Trong khuôn khổ của Đối thoại Hữu nghị TP.HCM có lễ công bố biểu tượng hữu nghị quốc tế TP.HCM; tiệc trà hữu nghị dành cho các đại biểu; chương trình biểu diễn dù lượn và khinh khí cầu…

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (Ho Chi Minh City Economic Forum – HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 đến 27.9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 40 đoàn địa phương và bộ ngành quốc tế và chuyên gia xác nhận tham dự FD 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.

Bài liên quan
Khai mạc 'Đối thoại hữu nghị TP.HCM năm 2022'
Sáng 3.12, tại Hội trường Thống Nhất, UBND TP.HCM khai mạc sự kiện "Đối thoại hữu nghị TP.HCM lần thứ nhất năm 2022" với chủ đề "Thích ứng, phục hồi, kiến tạo, phát triển".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị thế và vai trò của TP.HCM có phần sụt giảm