Qua ký ức của bà Đào Thúy Hằng – con gái của nhà văn Sơn Nam, hình ảnh “ông già Nam Bộ” hiện lên bình dị gần gũi đầy yêu thương.
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam (2008 - 2023), bà Đào Thúy Hằng – con gái của ông đã có những chia sẻ xúc động về người cha của mình. Trong mắt con gái, nhà văn Sơn Nam là người cha mẫu mực, yêu thương vợ con hết mực. Ông có tính "thấy chuyện gì cần làm thì làm, không để ý xung quanh, ai khen chê gì cũng kệ".
Video chia sẻ của bà Đào Thúy Hằng về cha – nhà văn Sơn Nam:
Tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ ra mắt hai đầu sách mới và trích Quỹ Sơn Nam để trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em nhỏ là con nuôi và con đỡ đầu của các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang. Đây là tấm lòng của NXB Trẻ và gia đình cố nhà văn đất Nam Bộ gửi đến những em nhỏ nơi địa đầu tổ quốc.
Nhà văn Sơn Nam là người có sức viết dồi dào với hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Từ ngày ông qua đời đến nay vẫn chưa có công trình nào thống kê được đầy đủ tất cả những bài viết và tác phẩm của ông. Hơn 300 trang sách của tác phẩm "Đi và ghi nhớ" trong lần in này gồm 56 bài báo thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn - Nam Bộ xưa và nay. "Đi và ghi nhớ" cũng là tên một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam đăng trên tạp chí Xưa và nay năm 1997.
Đi và ghi nhớ là một tập sách thú vị cho người mến mộ và sưu tầm tác phẩm Sơn Nam, cũng là tác phẩm rất dễ đọc dành cho bạn đọc vừa làm quen với tác phẩm của ông, bởi lối viết dung dị và đề tài phong phú.
Tác phẩm thứ 2 được xuất bản lần này là "Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ" gồm những bài viết về cha mình của con gái của nhà văn - chị Đào Thúy Hằng. Cuốn sách cho người đọc một góc nhìn rất khác, nhưng cũng đầy sự bình dị, giản dị, đầy yêu thương của nhà văn được mệnh danh là “ông già Nam Bộ”. Ngoài ra Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ còn có những bài viết độc đáo của các tác giả, nhà văn, nhà báo miền Nam yêu quý ông như Lý Lan, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền…
Tất cả được xem như cuộc hành trình theo hương rừng Cà Mau tìm về cố quán, nơi sinh ra một nhà văn - nhà nghiên cứu Nam Bộ chính hiệu. Các trang viết cũng gợi lên nhiều ký ức để những ai đã và thậm chí chưa từng gặp nhà văn Sơn Nam có thể hình dung được “ông già Nam Bộ” ở nhiều góc cạnh khác nhau.