Việc bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn sẽ cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường.
Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29.8, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật đã bỏ các điều về áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan; về nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản (BĐS); về phạm vi, đối tượng kinh doanh dịch vụ BĐS của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; về các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS; về các trường hợp cần thiết đề xuất việc điều tiết thị trường BĐS.
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, một số ý kiến nhất trí với quy định về bảo lãnh nhằm bảo đảm quyền lợi cho người mua. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về bắt buộc phải bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp khách hàng chấp nhận rủi ro cao hơn để đánh đổi những lợi ích khác.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, dự thảo luật được chỉnh sửa bổ sung khoản 3 điều 26. Theo đó, khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng được lựa chọn việc có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình.
Để bảo đảm trách nhiệm của chủ đầu tư, khoản 1 điều 26 dự thảo luật đã quy định chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng chấp thuận cấp bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo đó, điều này vẫn giữ được định hướng bảo vệ khách hàng là bên yếu thế trong giao dịch BĐS hình thành trong tương lai, nhưng không cứng nhắc, cản trở quyền thỏa thuận của các bên trong giao dịch BĐS.
Liên quan đến giao dịch quan sàn, tại kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS. Một số ý kiến nhất trí về quy định các loại giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy mục tiêu chính của việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS là: nâng cao tính công khai, minh bạch; bảo vệ quyền lợi cho khách hàng; thu thập thông tin, dữ liệu.
Tuy nhiên, việc bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch không bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu nêu trên. Thực tiễn cho thấy các sàn giao dịch BĐS hiện nay chỉ làm chức năng quảng cáo, môi giới, chưa thực hiện hết chức năng của mình; câu kết với các bên giao dịch để trốn thuế, lũng đoạn thị trường, cung cấp thông tin không chính xác.
Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch nên không bảo đảm tính công khai, minh bạch; các sàn giao dịch BĐS hiện nay chưa đủ khả năng bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, chịu trách nhiệm với các bên trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
“Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường”, ông Thanh nêu.
Mặt khác, dự thảo luật đã có các quy định cụ thể về việc công khai thông tin của doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng: bỏ quy định về các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS tại chương 7 dự thảo luật.
Ngoài ra, bổ sung khoản 7 điều 8 dự thảo luật về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh BĐS. Theo đó “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch BĐS”; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch BĐS.