GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ: “Trực giác có thể thấy các đại gia BĐS có nhiều nhà đất tạo được áp lực khá mạnh lên hình thành chính sách”.

Việc hình thành chính sách chịu áp lực lớn từ các đại gia BĐS?

Hoài Lam | 18/09/2022, 12:29

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ: “Trực giác có thể thấy các đại gia BĐS có nhiều nhà đất tạo được áp lực khá mạnh lên hình thành chính sách”.

Thuế bất động sản thấp dẫn đến đầu cơ, bong bóng BĐS

Tại "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” ngày 18.9, nêu vấn đề về thuế bất động sản, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, Nghị quyết 19/NQ-TW (2012) đã đưa ra chủ trương ban hành thuế BĐS.

Cụ thể: thuế là công cụ điều tiết thị trường BĐS và là nguồn thu ngân sách ổn định; sắc thuế BĐS đánh cả vào đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thu thuế lũy tiến đối với các dự án để đất hoang, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; người có nhiều nhà đất, bỏ hoang đất, chậm đưa đất vào sử dụng chịu mức thuế cao hơn.

Tuy nhiên, từ 2012 cho tới nay, Việt Nam cũng chưa đánh thuế vào nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Theo ông Võ, thuế BĐS thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất. Từ đây, các cơn sốt giá BĐS hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao. Nhà đất tại đô thị lớn ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Điều này dẫn đến hệ lụy là giá đất cao thì giá hàng hóa sản xuất ra sẽ cao, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, không thu hút được đầu tư; lạm phát cao khi giá trị ảo của BĐS tăng mạnh; không thể giải quyết được nhà ở giá phù hợp cho dân; không thể tự điều chỉnh phân bổ dân cư làm cho các đô thị vượt ngưỡng hạ tầng.

vo-1.jpg
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Nhìn vào những hệ lụy này, ông Võ cho hay có thể thấy việc xây dựng và ban hành luật thuế BĐS phù hợp là tất yếu. Mặt khác, Việt Nam lại có đặc thù riêng là thu nhập của người lao động cũng như người dân quá thấp. Trong đồng lương không có phần chi phí cho chỗ ở nên cũng không thể đánh thuế cao vào người dân.

Tuy nhiên, một nhóm nhỏ đầu cơ bất động sản lại có thu nhập rất cao, nếu không đánh thuế thì tình trạng đầu cơ tiếp tục xảy ra. Lộ trình áp dụng thuế bất động sản ở Việt Nam không đơn giản, chắc là khá dài.

“Nói đến sự phù hợp có nghĩa là cần nghiên cứu áp thuế thấp cho nhóm này, nhưng lại áp thuế cao cho nhóm khác. Tâm lý chung của dân hay nhà đầu tư cứ nghĩ là tăng thuế đồng loạt. Theo lẽ thường, người ta không áp thuế quá trình đầu tư mà chỉ áp thuế quá trình sử dụng đất và sở hữu tài sản, có như vậy mới khuyến khích đầu tư”, ông Võ nêu.

Các đại gia BĐS sở hữu nhiều nhà đất tạo được áp lực khá mạnh lên việc hình thành chính sách!

Ông Võ cũng chia sẻ, vào 2008, Liên minh châu Âu đã giúp Việt Nam xây dựng luật thuế tài sản nhưng cũng bị để lại. Từ đó tới nay, Bộ Tài chính đã 5 lần đề xuất các phương án về ban hành thuế tài sản (khi thì nâng tỷ suất thuế, khi thì đánh thuế cao vào người có nhiều nhà đất, khi thì đánh thuế cao từ ngôi nhà thứ 2 trở đi). Tuy nhiên mỗi lần kiến nghị được đưa ra lại làm công luận ồn ào, nhưng rồi lại im ắng.

“Có thể nói yêu cầu về đổi mới thuế BĐS trong Nghị quyết 19-NQ/TW (2012) không được thực hiện. Câu hỏi được đặt ra là vì sao? Trực giác có thể thấy các đại gia BĐS có nhiều nhà đất tạo được áp lực khá mạnh lên hình thành chính sách. Đấy là chưa nói đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước không thực hiện nghị quyết của Đảng…”, ông Võ nhấn mạnh.

Ông Đặng Hùng Võ cũng nêu, Nghị quyết 18-NQ/TW (2022) vừa ban hành cũng đã đưa ra những đổi mới về công cụ thuế BĐS. Trong đó đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

“Như vậy, chính sách thuế BĐS đã rõ hơn trước đó, có thuế cao đối với những nhóm này, nhưng thuế lại thấp đối với những nhóm khác. Ban hành Luật thuế BĐS là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra.

Vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết này, không lặp lại tình trạng 10 năm qua “phớt lờ” chính sách thuế BĐS đã đặt ra trong Nghị quyết 19-NQ/TW (2012); và chuẩn bị hạ tầng quản lý đủ điều kiện để áp dụng được sắc thuế BĐS”, ông Võ nói.

vo.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022

Cũng theo ông Võ, thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP, trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25%, của Philippines chiếm 0,84%. So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển OECD, các nước G7 đều đạt từ 1% tới 4% GDP.

Như vậy, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD và chỉ bằng 1% của các nước thuộc nhóm G7.

“Việt Nam có thể nâng ngay tỷ suất thuế lên cao được hay không là một vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Thu nhập của người dân nói chung và người lao động nói riêng ở Việt Nam quá thấp. Điều này có nghĩa là việc nâng đều tỷ suất thuế lên cao hơn là bất khả thi”, ông Võ nhận định.

Theo chuyên gia này, tỷ suất thuế chỉ có thể nâng cao hơn mức hiện nay một chút, trong đó có chế độ miễn giảm thuế đối với một số đối tượng và đánh thuế cao vào những đối tượng đầu cơ, trữ tiền tiết kiệm vào đất, có đất nhưng không đưa vào sử dụng...

Mặt khác, ông Võ cũng chia sẻ, khi hệ thống thuế đối với bất động sản đã ổn định thì có thể xác định lại hệ thống giao đất, cho thuê đất sao cho không có khác biệt giữa giao đất được sử dụng vô thời hạn, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Có thể lấy trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm làm chuẩn để tính được tiền thuê đất trả một lần gắn với tỷ lệ lạm phát. Từ mức tiền thuê đất trả một lần, có thể tính ra mức thuế đánh vào trường hợp được sử dụng đất vô thời hạn sao cho mức thuế thu được sau 50 năm bằng tiền thuế đất cho 50 năm tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc hình thành chính sách chịu áp lực lớn từ các đại gia BĐS?